Sinh ra với hình hài là con trai nhưng tâm tính, ý thích lại 100% là của con gái. Thế nên, đã có không ít bi kịch xảy ra, thậm chí đến khi "thoát xác" rồi, quá khứ nặng nề vẫn ám ảnh họ.
Ba lần tìm đến cái chết
Đến bây giờ, ca sĩ chuyển giới Ái Xuân (tên thật là Võ Thanh Trọng, 35 tuổi, ngụ tại TP.HCM) vẫn chưa thể quên ký ức buồn tủi ngày trước. Ái Xuân kể rằng, từ nhỏ, Xuân đã thích mặc đầm, trang điểm, để tóc dài, chơi búp bê... Chính điều này khiến gia đình, người thân của Xuân dị ứng. Xuân bị buộc phải mặc đồ con trai, hớt tóc ngắn, bắt phải tập thể thao và tuyệt đối không được chơi cùng mấy đứa con gái. Cha của Xuân mấy lần đã phải xuống tay với "đứa con nghịch tặc" này.
Ở tuổi 17, Xuân càng bị hắt hủi vì đây là giai đoạn Xuân bắt đầu đi hát nhiều, lại công khai cách ăn mặc như một nữ ca sĩ… "Tôi bị ức chế tích tụ từ nhỏ. Hồi đó, tôi thấy người lớn đối xử bất công, đưa ra những giải thích không rõ ràng trong khi tôi không gây lỗi lầm gì. Khi đi ra đường, người ta vô cớ gõ đầu tôi nói: Mày là đồ bóng mén; Còn nhỏ mà bày đặt "dẹo", đồ pê-đê!...", Ái Xuân tâm sự.
![]() |
Ca sĩ chuyển giới Ái Xuân và mẹ - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Gần đây, Ái Xuân sáng tác lời bài hát mang tên Thân sâu hồn bướm. Đây cũng là tựa đề Ái Xuân đặt cho album đầu tiên của mình. Ca sĩ Ái Xuân bộc bạch: "Bài này tôi rút gan rút ruột viết về câu chuyện đời mình. Thật éo le, chúng tôi mang thân xác của con sâu nhưng tâm hồn của con bướm nên chịu tiếng đời mai mỉa". Ái Xuân cho hay, sau này khi cha mẹ chia tay, Ái Xuân sống với mẹ. Ngày qua ngày, chứng kiến những nỗi đau thầm lặng của con mình, bà hiểu và thương Ái Xuân hơn. Trong phần mở đầu album Thân sâu hồn bướm, bà Phạm Thị Bình - mẹ Ái Xuân, có hò mấy câu buồn da diết do chính bà viết: "Hò ơ… Sanh con đâu có sanh lòng - Sanh ra chứng bệnh đau lòng mẹ cha - Cuộc đời sao lắm phong ba - Thương con mẹ phải xót xa lệ sầu…".
Kịch và đời thực
"Mỗi sáng thức dậy, tôi thảng thốt tự hỏi mình là ai trong cuộc đời này? Tại sao cuộc đời tôi lại trớ trêu đến thế?" là lời đề dẫn cho vở kịch Nỗi lòng do một số thành viên Câu lạc bộ (CLB) Bầu trời xanh biểu diễn vào tối 11.11.2008 tại Trung tâm Văn hóa Q.Bình Thạnh (TP.HCM).
Ước tính VN có hơn 100 người độ tuổi trên dưới 30 đã chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như (Trưởng khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân TP.HCM) - người đã có hơn 20 năm tìm hiểu về CĐGT, cho đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh những người giải phẫu CĐGT sẽ bị giảm tuổi thọ. Có chăng, khi sử dụng nội tiết nữ, những người CĐGT từ nam sang nữ dễ có nguy cơ thuyên tắc tĩnh mạch do cục máu đông. |
Dược sĩ Nguyễn Hồng Khanh, Chủ nhiệm CLB Bầu trời xanh cho biết, gần đây, ông có tham gia khảo sát hơn 300 người đồng tính trẻ trên địa bàn TP.HCM. Đa số những người này phản ánh họ chịu nhiều kỳ thị từ những người xung quanh, đặc biệt gia đình họ rất sốc khi phát hiện "sự thật phũ phàng" về con, em mình. Vì thế, nhiều người đồng tính phải thuê nhà khác ở, tránh phiền lụy cho người thân. Cũng tại CLB này, chúng tôi có quen H., một đồng đẳng viên của CLB. Trong cuộc sống thường nhật, H. phải phân thân đóng hai vai. Ban ngày, H. phải ăn mặc, xử sự như một người đàn ông trước mắt mọi người. Ban đêm, khi ra khỏi nhà và tham gia hoạt động của CLB, H. sung sướng được làm phụ nữ bằng cách đội tóc giả, độn ngực, tô son đánh phấn... H. từng nhiều lần thổ lộ khao khát muốn được CĐGT. Tuy nhiên, H. nơm nớp lo sợ phản ứng của gia đình và đồng nghiệp. Vả lại, số tiền để đi CĐGT là cả một gia tài đối với một nhân viên bình thường như H.… (còn tiếp).
Phóng sự của Như Lịch
Chuyển đổi giới tính, hành trình đi tìm "tôi" (Kỳ 2)
09/12/2008 16:25
![]() |
Lan Vy (Trần Anh Kiệt) trước và sau khi chuyển đổi giới tính -Ảnh do nhân vật cung cấp |
Kỳ 2: Tôi là phụ nữ!
Đối mặt với nhiều bi kịch ngang trái, cộng với tiếng gọi bản năng thôi thúc: "Tôi là phụ nữ! Tôi phải trở về là phụ nữ!", nhiều người đồng tính tìm đến giải phẫu chuyển đổi giới tính (CĐGT) để thay đổi cuộc đời. Thực tế, việc giải phẫu không hề đơn giản.
Đau xé da xé thịt...
Sau ba lần định kết liễu cuộc đời nhưng không thành, Ái Xuân quyết định "giải thoát" mình bằng con đường khác. Ái Xuân nói: "Tôi sống mà như chết, tủi thân tủi phận quá rồi nên tôi phải thoát khỏi thân xác đàn ông này, tìm về hình nhân tôi ao ước".
Lúc này, cha mẹ Ái Xuân đã chia tay nhau. Xuân sống với mẹ. Sau những biến cố cuộc đời, bà mẹ nhìn đời bao dung hơn. Dần dần, bà thông hiểu nỗi đau thầm lặng bấy lâu đeo đẳng đứa con của mình. Đầu năm 2004, với sự phụ giúp của mẹ, Ái Xuân mang 6 ngàn USD sang Thái Lan để CĐGT. Trước đó, đã có một số người CĐGT ở Thái Lan. Đặc biệt, ca sĩ Cindy Thái Tài - người được Ái Xuân xem là "đàn chị" thân thiết đã đánh dấu cột mốc là người CĐGT đầu tiên công khai tại VN.
Được biết, vào những năm 2000- 2002, Thái Tài đã chi 30 ngàn USD cho hành trình "tôi đi tìm tôi" của mình, cao gấp 4 -5 lần so với nhiều người khác. Bác sĩ (BS) Nguyễn Thành Như - Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân TP.HCM cho biết: "Đến nay, tôi chưa nghe có trường hợp nào ở VN nữ đi chuyển đổi thành nam mà chỉ là nam thành nữ. Xét ở góc độ y học, phẫu thuật từ nam thành nữ dễ hơn nhiều so với phẫu thuật từ nữ thành nam".
![]() Một người chuyển đổi giới tính bên "người chồng" thuở còn mặn nồng - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tại CLB Bầu trời xanh TP.HCM hiện có ba nhân viên và hàng chục cộng tác viên đã CĐGT. Lan Vy (tên thật là Trần Anh Kiệt), nhân viên CLB đã kể chuyện CĐGT của mình như sau: "Vào năm 2002, tôi gom tiền sang Thái Lan giải phẫu phần ngực hết 2 ngàn USD. Tôi tưởng là được gây mê nhưng họ chỉ gây tê. Họ căng tay căng chân, dán mắt tôi lại và truyền nước biển. Một tiếng đồng hồ sau, tôi đau quá nên la lên thì có 3- 4 người bịt miệng. Họ mổ đau lắm, đau xé da xé thịt...".
Gần 2 năm sau, Lan Vy lại cày cục gom thêm 3 ngàn USD sang lại Thái Lan giải phẫu bộ phận sinh dục. Bác sĩ bảo Vy chờ 6 tiếng đồng hồ sau quay lại sẽ được phẫu thuật ngay, nếu họ không kẹt "show" khác. Cuối cùng, ca mổ được thực hiện và kéo dài đến 6 tiếng đồng hồ, kèm theo những cơn đau kinh khủng.
Còn Thái Thanh (tên thật là Văn Thanh), người hay hát đám cưới, đám ma, hội chợ... cho biết từng đi nâng ngực bằng việc đặt túi nước biển ở một phòng mạch tư tại TP.HCM. Sau này có tiền, Thái Thanh đã hai lần qua Thái Lan giải phẫu "trên dưới" với chi phí 5.500 USD. Thanh nhớ lại: "Khi giải phẫu, tôi đau dữ lắm!".
Hậu phẫu
Lan Vy cho hay, khoảng 3 ngày đầu sau khi phẫu thuật, bệnh nhân không được và cũng không bước nổi xuống giường. Thời hạn xin visa 14 ngày chậm chạp trôi qua bởi cơn đau thể xác và cả nỗi cô đơn một thân một mình nơi đất khách quê người. Có những người do sức khỏe yếu, không thể phục hồi trong khoảng thời gian đó nên đã phải xin gia hạn visa.
Thời hậu phẫu, những người CĐGT thường phải nai nịt để "tạo dáng" cho ngực trong ba tháng liền. Đặc biệt, việc "tập thể dục" trong hơn một tháng bằng ba dụng cụ như khúc gỗ có kích cỡ khác nhau để làm thông bộ phận sinh dục nhân tạo sau phẫu thuật mới là cực hình.
Mỗi lần "tập thể dục" như vậy, máu ra rất nhiều. Lan Vy nói: "Vì bất đồng ngôn ngữ nên các bác sĩ Thái không tư vấn gì về chuyện hậu phẫu cho bọn tôi. Đến khi về tập luyện, bọn tôi mới ngã ngửa trước những công đoạn gian nan. Tôi phải mua thuốc trị giá 500 ngàn đồng/viên là hàng xách tay từ Thái Lan để uống cho đỡ đau và mau lành vết thương".
Để có làn da và vóc dáng có vẻ nữ tính hơn, không ít người CĐGT đã lạm dụng lượng hormone. Có người trong 1 tháng tiêm đến 2 tuýp hormone (mỗi tuýp có giá khoảng 40 ngàn đồng, hàng trôi nổi trên thị trường). Lan Vy nói: "Mỗi lần tiêm hormone, thích nhất là thấy làn da rất đẹp, đẹp như da em bé vậy đó!". Tuy nhiên, loại thuốc này khiến người dùng nhanh lên cân.
Theo Lan Vy, những tháng đầu sử dụng thuốc này, Vy chỉ thích ăn rồi ngủ. Sau khi CĐGT, một số người nhanh chóng "tút" lại mắt, mũi, chân mày... cho đồng bộ với thân hình mới. Có người thì tìm đến bác sĩ nhờ loại bỏ "trái khế" trên cổ, cắt dây thanh quản cho giọng bớt ồm hoặc tìm cách nhanh nhất để "diệt" đám râu "cứng đầu"...
Theo BS Nguyễn Thành Như, trường hợp nam CĐGT thành nữ, việc dùng nội tiết nữ sẽ khiến tuyến cơ teo, bộ phận sinh dục teo lại nhưng hệ xương và giọng nói thì không đổi được. Tại Hà Lan, người ta không khuyến khích cắt dây thanh quản mà có trung tâm huấn luyện giọng nói. BS Như nêu thực trạng: "Ở VN, hầu như tất cả những người muốn CĐGT chỉ nhăm nhăm đi tìm bác sĩ giải phẫu và tự sử dụng nội tiết.
Và khi giải phẫu xong, người ta coi như hết trách nhiệm, bất chấp biết bao hệ luỵ có thể diễn ra. Trong khi đó, ở Hà Lan, bác sĩ giải phẫu chỉ là một mắt xích. Những mắt xích rất quan trọng khác chính là nhà tâm lý y tế chuyên sâu và nhà nội tiết - đây là địa chỉ mà những người CĐGT phải gắn bó, tham vấn suốt đời".
Thật khó tính hết các khoản chi phí cho những thử thách trong hành trình "tôi đi tìm tôi" của những người CĐGT. Dẫu vậy, những người tôi gặp ai ai cũng hớn hở, ngời ngời hạnh phúc và mạnh miệng tuyên bố dù có tốn kém hơn, phẫu thuật và hậu phẫu có đau đớn, gian nan hơn, tuổi thọ có giảm xuống 10 năm, 20 năm hay nhiều hơn... thì họ cũng sẵn sàng chấp nhận!
Kỳ 1: Bi kịch "thân sâu hồn bướm"
Bốn công đoạn trong chuyển đổi giới tính 1. Tư vấn. Những người có ý định CĐGT được chuyển tới trung tâm giới tính ở Amsterdam (Hà Lan), được tiếp xúc với những tư vấn viên. Tại đây, những chuyên viên sẽ theo dõi sát sao diễn biến tâm lý của họ trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm và sẽ giải thích những nguy cơ họ có thể gặp phải nếu CĐGT, như: mất việc làm, mất gia đình, bạn bè, phản ứng phụ của hormone giới tính... 2. Sống thử. Sau giai đoạn tư vấn, nếu họ bảo lưu ý định CĐGT, họ sẽ sống thử với giới tính mà họ muốn đạt đến trong khoảng 2 năm. Chẳng hạn, nếu người nam muốn trở thành người nữ, họ sẽ mặc váy, tô son, sử dụng hormone giới tính để biến đổi cơ thể... 3. Phẫu thuật: Khi hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ, các bác sĩ sẽ phẫu thuật CĐGT. Việc phẫu thuật được tiến hành trong nhiều lần, đối với trường hợp nữ thành nam phải phẫu thuật ít nhất 3- 4 lần. 4. Hậu phẫu: Người đã CĐGT vẫn được tiếp tục theo dõi nội tiết và tâm lý suốt đời ở địa phương họ đang sống. Như Lịch (ghi) |
Phóng sự của Như Lịch