• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Hỏi - Đáp
  • Thứ bảy - 25/04/2015 - (2,353 lượt xem)

Ẩn hay không ẩn?

Huy…cv@pv….vn

Kính gửi TS.BS Nguyễn Thành Như,

Em ở Vũng Tàu. Rất mong nhận được sự tư vấn của Bác sĩ cho trường hợp của con em như sau:

1. Cháu sinh ngày 14-10-2008 (gần 6 tuổi). Giới tính: Nam

2. Lịch sử bệnh: Khi cháu dưới 2 tuổi, gia đình kiểm tra bộ phận sinh dục thấy bình thường, có đủ hai tinh hoàn. Thời gian vừa qua, kiểm tra bộ phận sinh dục của cháu thì thấy có một bên tinh hoàn, một bên thì không rõ lắm (lúc bìu săn). Tuy nhiên, sau khi cho cháu tắm nước nóng và làm ấm bộ phận sinh dục thì da bìu xệ xuống, thấy rõ hai tinh hoàn nhưng không đều, một bên to, một bên nhỏ. Tính tình của cháu hơi yếu đuối, không mạnh mẽ như em trai. Về trí lực và phát triển tâm sinh lý, ngôn ngữ: Cháu chậm hơn các bạn cùng lớp khoảng 1 tuổi.

3. Khám bệnh:

3.1. BVNĐ1 (bác sĩ chuyên khoa ngoại): Thăm khám + siêu âm. Kết luận: Tinh hoàn ẩn hai bên -> Yêu cầu mổ.

3.2. BVBD: Thăm khám + siêu âm. Kết luận:  Tinh hoàn di động một bên -> Yêu cầu mổ

4. Câu hỏi:

- Với trẻ 6 tuổi như cháu thì có nhất thiết phải mổ không hay chỉ theo dõi và điều trị nội khoa?

- Bác sĩ hướng dẫn cách cha mẹ tự kiểm tra cho con để tránh nhầm lẫn khi mổ tinh hoàn di động trái hay phải, vì mẹ cháu kiểm tra theo dõi thì nói tinh hoàn bên phải của cháu bị di động, trong khi bác sĩ khám thì kết luận tinh hoàn bên trái?

Do cháu còn bé nên gia đình rất lo lắng, cho cháu đến BVBD đúng chuyên khoa để mong gặp được Bác sĩ Nguyễn Thành Như để khám và tư vấn, nhưng chưa gặp được nên gia đình xin được gửi email mong nhận được sự tư vấn của những chuyên gia đầu ngành như Bác sĩ.

Kính chúc Bác sĩ mạnh khỏe. Chân thành cảm ơn Bác sĩ.

 

Chào bạn,

Rất dễ nhầm lẫn giữa tinh hoàn ẩn, tinh hoàn đi động và tinh hoàn nằm ở vị trí bình thường trong bìu ở trẻ nhỏ, do tinh hoàn còn nhỏ, cơ bìu khỏe và trẻ mập. Không ít trường hợp do da bìu nhỏ, tinh hoàn nằm hơi cao, gần gốc bìu nhưng siêu âm lại đọc là tinh hoàn ẩn.
Có các tình huống như sau:

- Nếu không lúc nào bạn (cha mẹ) thấy tinh hoàn của cháu trong bìu, thì cháu có thể bị tinh hoàn ẩn, hoặc tinh hoàn trong bìu nhưng nằm hơi cao kèm theo da bìu nhỏ, hoặc cháu có tinh hoàn di động. Muốn biết cháu thuộc nhóm nào thì cháu cần được khám bởi bác sĩ có tay nghề, được đào tạo tốt kết hợp với siêu âm, trong đó tay nghề của bác sĩ quan trọng hơn siêu âm. Với kỹ thuật khám "vắt sữa", bác sĩ sẽ biết tinh hoàn cháu thuộc dạng nào. Nếu đúng là tinh hoàn ẩn thì ở tuổi cháu, cháu cần được mổ hạ xuống bìu. Phẫu thuật không khó nhưng phải gây mê, nằm viện 1-2 ngày và một lần nữa, không phải bác sĩ phẫu thuật nào cũng mổ được tinh hoàn ẩn đúng cách. Bác sĩ được đào tạo đúng cách sẽ hầu như luôn luôn hạ được tinh hoàn xuống bìu đẹp đẽ, sau mổ tinh hoàn không bị chạy lên.

- Nếu có lúc bạn thấy tinh hoàn cháu trong bìu rõ ràng, có lúc không thấy hoặc không rõ thì cháu chắc chắn không bị tinh hoàn ẩn mà đại đa số trường hợp tinh hoàn của cháu nằm ở vị trí bình thường chỉ dao động nhẹ, lúc nằm trong bìu rõ, lúc chạy lên nằm ở gốc bìu (khi trời lạnh, khi cháu giật mình, như lúc kéo quần cháu xuống khám chẳng hạn). Một số ít trường hợp cháu bị tinh hoàn di động, chạy từ bìu lên bẹn và ngược lại. Tinh hoàn di động chỉ mổ khi cháu có kèm theo thoát vị bẹn (sa ruột). Muốn biết cháu có thoát vị bẹn hay không thì cháu cần được khám và siêu âm. Siêu âm chẩn đoán thoát vị bẹn khá tốt.

Trường hợp của cháu, theo tôi chẳng nên mổ. Một khi cha mẹ chắc chắn khi cháu dưới 2 tuổi nhìn thấy hai tinh hoàn trong bìu thì cháu không thể có tinh hoàn ẩn. Tinh hoàn có thể khi nhỏ bị ẩn, khi lớn thì hết ẩn, xuống bìu luôn, chứ không bao giờ có chuyện ngược lại: lúc trước trong bìu, bây giờ bị ẩn. Giả sử cháu có tinh hoàn di động nhưng cả hai lần siêu âm đều không thấy thoát vị bẹn, như vậy cũng chẳng cần mổ.

Tóm lại, hai tinh hoàn của cháu có thể không đều nhau, cháu có thể yếu đuối, trí tuệ chậm một tí nhưng các lý do này không phải do tinh hoàn có bệnh gây ra, cũng không phải do thiếu testosterone nên bạn đừng bận tâm đến tìm nguyên nhân "nam giới".

TS BS Nguyễn Thành Như

Kính gửi TS.BS Nguyễn Thành Như,

Trước hết em rất biết ơn TS.BS Như đã nhanh chóng giải đáp rất chi tiết và cụ thể, giúp cho vợ chồng em bớt đi được phần nào lo lắng của người làm cha mẹ với con cái.

Em đọc email của Bác sĩ và yêu cầu vợ em xác nhận lại có đúng là lúc bé dưới 2 tuổi có đầy đủ hai tinh hoàn hay không thì mẹ cháu không dám chắc chắn lắm, chỉ khẳng định là lúc sờ thấy đủ cả hai tinh hoàn, lúc chỉ thấy một tinh hoàn, và hôm qua mẹ cháu kiểm tra lại thì không thấy gì cả (nhưng lại rất đúng với tư vấn của Bác sĩ là lúc đấy da bìu của cháu săn cao quá do phản xạ xấu hổ nên khó kiểm tra). Thời gian gần đây, vợ em kiểm tra lúc cháu ngủ khi bìu xệ xuống thì thường thấy một tinh hoàn và một không rõ ràng.

Vợ chồng em cũng rất băn khoăn như sau:

1. Nếu cháu bị tinh hoàn ẩn thì phải mổ càng sớm càng tốt, tránh để lâu sẽ teo tinh hoàn.

2. Nếu cháu chỉ bị tinh hoàn đi động thì có chỉ định mổ để tránh bị xoắn tinh hoàn hay không?

3. Cháu còn bé và giả sử như tình trạng này không nhất thiết phải mổ mà cha mẹ không biết thì tội cho cháu nếu chẳng may có biến chứng gì trong khi mổ.

Em xin chân thành cảm ơn Bác sĩ.

1. Nếu cháu có một tinh hoàn trong bìu và một tinh hoàn ẩn thì:

- Mổ hạ tinh hoàn ẩn xuống bìu nếu cháu dưới 2 tuổi.

- Mổ cắt bỏ tinh hoàn ẩn nếu cháu trên 12 tuổi.

Hiện tại, cháu 6 tuổi, nên mổ hạ xuống bìu hay cắt bỏ? Tôi chủ trương chờ cho cháu đủ 10-12 tuổi, xem lại, nếu vẫn tinh hoàn ẩn thì cắt bỏ để phòng ngừa ung thư.

2. Tinh hoàn di động, nhắc lại, không mổ vì nó không gây biến chứng gì, không bị xoắn.

TS BS Nguyễn Thành Như

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả