• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Hỏi - Đáp
  • Thứ bảy - 31/08/2013 - (2,343 lượt xem)

Chồng không muốn chữa vô sinh

Konic…ha@yahoo.com


Kính chào Bác sĩ,

Em năm nay 29 tuổi, chồng em 28 tuổi. Chúng em kết hôn được 7 tháng, nhưng đã chung sống với nhau trước đó và không sử dụng biện pháp tránh thai nào khoảng 1 năm. Chúng em rất mong sớm có con.
Em đang điều trị buồng trứng đa nang (buồng trứng trái) và nang lạc nội mạc (buồng trứng phải). Bác sĩ điều trị cho em yêu cầu có xét nghiệm tinh dịch đồ của chồng. Tháng 01/2013, chồng em có đi xét nghiệm và kết quả như sau:

Độ nhớt: Bình thường.

Ly giải: Bất thường.

Thể tích: 1,9

pH: 8,0

Mật độ: 10

Tổng số tinh trùng: 19

Tỷ lệ sống (%): 23

Di động:

- Tiến tới nhanh: 00

- Tiến tới chậm: 14

- Không tiến tới: 07

- Không di động: 79

Hình thái bình thường (%): 04

Bạch cầu: 0,7

Bác sĩ điều trị cho em nói kết quả của chồng em không được tốt, cần phải đi bác sĩ nam khoa để điều trị. Nhưng chồng em trước khi xét nghiệm có bị cảm và dùng thuốc, nên chúng em không biết kết quả có thể đúng không. Do đó chồng em có đi xét nghiệm tinh dịch đồ một lần nữa vào ngày 8/3/2013 sau khi đã kiêng giao hợp 3 ngày tại BV Hùng Vương và kết quả như sau:

Độ nhớt: Bình thường
Ly giải: Bình thường
Thể tích: 2,5
pH: 7,0
Mật độ: 13
Tổng số tinh trùng: 32,5
Tỷ lệ sống (%): 32
Di động:
- Tiến tới: 17
- Không tiến tới: 11
- Không di động: 72
Hình thái bình thường (%): 01
Bạch cầu: 1.2
Chuẩn tham khảo (WHO 2010)
Nhận xét khác: 98% tinh trùng bất thường đầu.

Chồng em tham khảo một số nguồn trên mạng và cho rằng kết quả tinh dịch đồ chỉ nói lên tình trạng sinh sản trong một thời điểm, kết quả tính bằng máy cũng không hoàn toàn chính xác, không được chạy xe 1-2 tiếng trước khi lấy tinh dịch v.v. và cho rằng khả năng sinh sản không có vấn đề gì nghiêm trọng, không cần phải đi điều trị, chỉ cần ăn uống bồi dưỡng đúng chất, thể thao và kiêng rượu bia là được.
Theo em hiểu, chỉ tinh dịch đồ không thể nói hết được khả năng sinh sản của chồng em, mà còn cần những xét nghiệm khác nữa. Thời gian điều trị nang của em có thể mất thêm 3-6 tháng vì còn phải theo dõi. Em không thể thuyết phục được chồng em đến gặp bác sĩ một lần để được khám và tư vấn, vì chồng em nói chỉ cần em điều trị nang xong là có thể có thai, nếu không thì đi thụ tinh ống nghiệm chứ không muốn khám và điều trị.

Xin Bác sĩ cho em lời khuyên, chân thành cám ơn Bác sĩ.


Chào chị,

Theo tôi biết, tinh dịch đồ ở BV Hùng Vương được làm theo phương pháp thủ công chứ không phải bằng máy nên kết quả đáng tin cậy. Chạy xe 1-2 tiếng không làm tinh trùng yếu. Ăn uống bồi dưỡng, kiêng rượu bia, thể thao không giúp tinh trùng khỏe hơn.

Qua hai kết quả tinh dịch đồ, có thể nói tinh trùng của anh ấy bị yếu vừa phải, vừa yếu cả số lượng, lẫn chất lượng. Nói một cách nôm na, muốn có con thì hai vợ chồng chị cần góp chung 10 đồng, anh ấy 5 đồng, chị 5 đồng. Chị bị buồng trứng đa nang thì chỉ góp được 3 đồng thôi, tinh trùng của anh ấy yếu nên anh ấy cũng chỉ góp có 3 đồng. Cộng chung chỉ có 6 đồng thì làm sao ra em bé được? Nếu anh ấy gặp người vợ khỏe mạnh về sinh sản, góp được 7 đồng thì anh ấy vẫn có con tự nhiên mà không cần chữa trị. Tương tự, nếu chị gặp người chồng khỏe về sinh sản, góp 7 đồng thì chị vẫn có thể có con tự nhiên mà không cần chữa. Nếu bây giờ chị chữa xong bệnh, chị có 5 đồng mà anh ấy vẫn chỉ có 3 đồng thì cũng không có con được, vì vậy anh ấy cần phải đi chữa.

Nếu anh ấy không muốn chữa thì anh chị vẫn có thể có con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng thụ tinh không phải là phép màu. Anh chị có biết thụ tinh trong ống nghiệm có tỉ lệ thụ thai là 30-40%, nhưng trong quá trình mang thai sẽ có khoảng 10% thai bị sảy (thai 4-5 tháng vẫn sảy) nên chỉ còn 20-30% bà mẹ là sinh ra em bé. Nhưng có bao nhiêu phần trăm em bé là thực sự khỏe mạnh? Các em bé thụ tinh thường sinh non nên dễ có dị tật hơn các em bé thụ thai tự nhiên. Sau cùng, không nên quên là chi phí thụ tinh khá cao (4.000-5.000 USD), có biến chứng nguy hiểm tính mạng của vợ.

Quan niệm vô sinh là do vợ đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người nên thuyết phục một người đàn ông đi chữa hiếm muộn bao giờ cũng khó.
TS BS Nguyễn Thành Như

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả