• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Hỏi - Đáp
  • Thứ bảy - 25/02/2012 - (3,326 lượt xem)

Làm sao để có con nếu mào tinh đã bị chọc và thụ tinh trong ống nghiệm 5 lần đều thất bại?

Song..m@gmail.com

Kính chào Bác sĩ Như!

Tôi năm nay 28 tuổi, chồng tôi 29 tuổi. Vợ chồng tôi vô sinh đã 3 năm, nguyên nhân là do chồng tôi không có tinh trùng. Chúng tôi đã vào SG gặp Bác sĩ để khám, nhưng vì đã làm thủ thuật chọc hút mào tinh hoàn nên không thể chữa được, chỉ có cách làm thụ tinh ống nghiệm. Chúng tôi đã làm phương pháp sinh thiết tinh hoàn để trữ mô tinh hoàn. Khi mang một mẫu sang BV Từ Dũ kiểm tra, kết quả cho thấy có nhiều ống sinh tinh, mỗi ống sinh tinh thì có khoảng chục con, có tinh trùng di động. Nhưng vợ chồng tôi đã làm 5 lần đều không thành công. Chúng tôi đang chuẩn bị làm tiếp, xin bác sĩ tư vấn giúp:

 - Từ lúc sinh thiết tinh hoàn đến giờ đã là 1 năm, vậy chúng tôi có thể tiếp tục làm thụ tinh ống nghiệm được chưa (vì khả năng là lại tiếp tục phải mổ tinh hoàn để lấy tinh trùng nữa)

- Mổ sinh thiêt nhiều lần như vậy thì chồng tôi có bị ảnh hưởng gì không ạ?

- Chồng tôi nên uống thuốc gì để tăng chất lượng tinh trùng? vì 5 lần làm, vợ chồng tôi đều được bác sĩ cho biết là phôi tốt, niêm mạc tốt. Khi chúng tôi hỏi nguyên nhân vì sao không thành công thì bác sĩ làm ICSI giải thích: khả năng thất bại có thể là do tinh trùng lấy từ mô tinh hoàn thường kém.

- Lần trước mổ, chồng tôi có bị mưng mủ ở chỗ mổ, và sau này rất hay bị có chất dính như mủ ở chỗ đầu dương vật, đi khám thì không có bị viêm nhiễm gì. Uống thuốc kháng sinh thì khỏi, nhưng sau đó lâu lâu lại bị viêm nhiễm tiếp. Vậy có phải là do lần trước mổ không vệ sinh cẩn thận nên bị ảnh hưởng không ạ?

Vợ chồng chúng tôi hỏi hơi nhiều, nhưng do có rất nhiều thắc mắc muốn hỏi, nên mong bác sĩ thông cảm và trả lời giúp chúng tôi. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn. Chúc Bác sĩ luôn luôn khỏe mạnh và hạnh phúc. 

Chào chị,

Đọc mail của chị tôi thật ái ngại và lấy làm tiếc là vợ chồng chị, dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng vẫn chưa có tin vui. Qua email, tôi đoán là chồng chị bị vô tinh do tắc.

Theo hiểu biết của tôi, qua các báo cáo khoa học trên thế giới cũng như qua các nghiên cứu riêng của tôi và các đồng nghiệp, trong vô sinh do tắc, nguồn tinh trùng không ảnh hưởng đến kết quả thụ tinh trong ống nghiệm; nói cách khác, tinh trùng dù lấy ở tinh hoàn hay mào tinh (trong vô sinh do tắc), dù là tinh trùng tươi hay tinh trùng trữ lạnh - rã đông, đều cho kết quả có thai như nhau. Do vậy, lý lẽ cho rằng vợ chồng chị đã làm thụ tinh trong ống nghiệm 5 lần mà vẫn thất bại là do tinh trùng lấy từ tinh hoàn không được thuyết phục lắm. Trong những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm thất bại nhiều lần như của vợ chồng chị, trên thế giới có làm thêm kỹ thuật "chẩn đoán di truyền tiền làm tổ" (PGD, pre-implantation genetic diagnosis) để tìm nguyên nhân do gen, để loại các phôi hư về di truyền, nên có thể giúp chỉ các phôi tốt mới được đưa vào tử cung người mẹ, tăng tỉ lệ thành công. Kỹ thuật PGD này chưa được áp dụng ở Việt Nam.

Bây giờ để có con, vợ chồng chị:

- Hoặc làm tiếp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng lấy từ tinh hoàn. Chồng chị có thể mổ tinh hoàn nhiều lần mà không gặp nguy hiểm gì. Vết mổ lần trước bị nhiễm trùng có thể do anh ấy chăm sóc vết mổ không tốt, nhưng cũng có thể do dụng cụ mổ không vô trùng tốt, chỉ phẫu thuật bị nhiễm trùng từ bên trong....Giữa chuyện nhiễm trùng vết mổ này và tiết dịch đầu dương vật không liên quan gì đến nhau. Tiết dịch đầu dương vật là do chồng chị bị một bệnh khác. Lần trước anh ấy bị nhiễm trùng vết mổ thì không có nghĩa là lần mổ sắp tới anh ấy lại bị nhiễm trùng nữa.

- Hoặc mổ nối ống dẫn tinh - mào tinh. Một khi đã bị chọc mào tinh rồi thì khả năng nối được khá thấp. Khi mổ cho những trường hợp này, tôi thấy mào tinh có nhiều sẹo dính, chỗ tắc thay vì thường ở ống dẫn tinh hay ở đuôi mào tinh thì lại nằm ở chỗ chọc kim, tức là ở thân hay đầu mào tinh. Nhiều khi mào tinh chỉ còn là một sẹo chai cứng do nhiều vết kim đâm gây ra. Đôi khi may mắn tôi tìm thấy một chỗ ống mào tinh còn nối được và nối cho bệnh nhân. Các trường hợp mà tôi đã nối (sau khi bệnh nhân đã bị chọc mào tinh) thì tỉ lệ thành công chỉ còn 58% (so với 80% nếu mào tinh chưa bị chọc), và 41% trường hợp bệnh nhân có thai tự nhiên sau mổ. Nghiên cứu này đã được tôi báo cáo tại Hội Tiết niệu Thế giới tổ chức ở Thượng Hải năm 2009 và tại Sài Gòn năm 2010. Trên thế giới đã từng có BS Marmar (người Mỹ) và BS Chan (người Canada) cũng thực hiện các ca mổ tương tự. Chị có thể tham khảo trong namkhoa.com về báo cáo này.

Chúc anh chị may mắn hơn trong lần sau.

TS BS Nguyễn Thành Như

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả