• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Hỏi - Đáp
  • Chủ nhật - 18/12/2011 - (3,659 lượt xem)

Triệt sản 19 năm, làm sao để có con?

Htp..@yahoo.com

Thưa bác sĩ, tôi triệt sản đã 19 năm, nhưng sẽ lấy vợ trong thời gian rất gần. Vợ tương lai của tôi muốn có con, đi khám bác sĩ nói là có thể lấy tinh trùng từ tinh hoàn để làm thụ tinh nhân tạo. Tôi đang ở Việt Nam, nhưng chuẩn bị trở về Mỹ. Xin bác sĩ cho biết là trường hợp của tôi có thể lấy tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm được không. Cám ơn bác sĩ thật nhiều ! 

Chào ông HP,

Tôi thấy trường hợp của ông đã triệt sản 19 năm, nay muốn có con với vợ tương lai. Điều này phụ thuộc: tuổi của ông, ông đã có con chưa, con nhỏ nhất bao nhiêu tuổi, ông triệt sản ở đâu, đã đi thử tinh dịch chưa và tuổi của người vợ tương lai cũng như khả năng sinh sản của cô ấy?

Bước đầu tiên để ông có thể có con là ông phải còn sản xuất tinh trùng. Điều này được chứng minh bằng một trong hai cách sau:

- Trong tinh dịch của ông có tinh trùng. Nghe thì có vẻ vô lý vì ông đã triệt sản rồi thì làm gì có tinh trùng trong tinh dịch nữa. Thật ra, khoảng gần 1% những người đã triệt sản vẫn còn tinh trùng trong tinh dịch và thậm chí vẫn có thể có con tự nhiên.

- Hoặc trong tinh hoàn của ông có tinh trùng. Nhiều nơi chọn cách chọc mào tinh để tìm xem bệnh nhân có còn tinh trùng hay không. Cách này sai về nguyên lý vì mào tinh chỉ là nơi nuôi dưỡng và trữ tinh trùng, còn tinh hoàn mới là nơi sản xuất tinh trùng. Nói nôm na, tinh hoàn là ruộng lúa, còn mào tinh là cái bồ lúa; muốn biết nhà ông có sản xuất lúa hay không mà chỉ đi xem cái bồ lúa thì trật lất. Vì vậy, để kiểm tra xem tinh hoàn của ông còn sản xuất tinh trùng, mức độ sản xuất cao hay thấp thì cần phải làm sinh thiết tinh hoàn: mổ lấy một mẩu mô tinh hoàn cỡ hạt lúa, soi dưới kính hiển vi xem có tinh trùng hay không rồi mới tính tiếp. Đây chỉ là một tiểu phẫu, mất khoảng 15 phút là xong cho việc sinh thiết cả hai bên tinh hoàn. Vài giờ sau ông có thể đi lại bình thường. Mẩu mô được gởi đến một phòng xét nghiệm chuyên sâu để đọc. 1-2 ngày thì có kết quả. 5-7 ngày sau mổ thì vết mổ được cắt chỉ hay chỉ tự rụng. Nếu vết mổ không bị nhiễm trùng thì sau mổ 5 ngày là mọi thứ lại đâu vào đấy (đi lại, sinh hoạt vợ chồng bình thường).

Nếu tinh hoàn có tinh trùng, ông có những con đường sau để có con:

1. Thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng được lấy từ tinh hoàn. Cách này thì "khỏe" cho ông nhưng lại "mệt" cho vợ và có thể "mệt" cho em bé.  

2. Mổ vi phẫu nối lại ống dẫn tinh. Cách này thì "mệt" cho ông vì phải đi mổ và nếu phẫu thuật thành công (tỷ lệ thành công khoảng 90%) thì phải lo "kế hoạch" (thậm chí có người xin đi triệt sản lại vì người khác phái liên tục báo tin…có thai).

Chúc ông sức khỏe.

TS BS Nguyễn Thành Như

Kính chào bác sĩ Như.

Tôi rất vui khi nhận được hồi đáp của ông. Tôi xin được nói rõ hơn về trường hợp của tôi và vợ tương lai như sau (sau đây tôi xin được gọi là vợ).

Tôi 62 tuổi, đã có 4 con, con nhỏ nhất 19 tuổi. Tôi triệt sản tại Mỹ cách đây 19 năm. Sau khi triệt sản, bác sĩ yêu cầu cách vài ngày thì lấy tinh dịch thử một lần, đến khi đảm bảo trong tinh dịch của tôi không còn tinh trùng nữa (cũng khoảng 1 tháng), bác sĩ báo là tôi không cần sử dụng các biện pháp tránh thai nữa.

Vợ tôi 35 tuổi, làm việc và sinh sống tại TPHCM, chưa từng lập gia đình và chưa có con, chưa từng sử dụng đến biện pháp tránh thai nào hoặc phá thai, tôi là người đầu tiên và duy nhất có quan hệ tình dục với cô ấy. Chúng tôi yêu nhau đã 11 năm và có quan hệ tình dục đã 3 năm nay. Theo kết quả khám bịnh tổng quát hàng năm thì cô ấy có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, về mặt pháp lý chúng tôi vẫn chưa là vợ chồng vì chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn, lý do là vợ tôi không có ý định di dân. Chúng tôi sẽ đăng ký kết hôn vào lần sau khi tôi trở lại Việt Nam vì tôi cần bổ sung một số giấy tờ.

Vậy xin hỏi bác sĩ, trường hợp của tôi (chưa có giấy đăng ký kết hôn) thì có tiến hành làm sinh thiết tinh hoàn được không, nếu được thì làm ở đâu? Tôi nên làm sinh thiết trước hay vợ tôi nên đi khám để xác định khả năng sinh sản trước? Nếu khám thì khám ở đâu?

Điều tôi quan tâm nhất là: nếu tôi còn tinh trùng thì liệu có cách nào xác định được nó đủ tốt để sinh ra em bé được bình thường không? Tôi thấy bác sĩ có nói nếu “thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng được lấy từ tinh hoàn. Cách này thì "khỏe" cho ông nhưng lại "mệt" cho vợ và có thể "mệt" cho em bé", tôi băn khoăn quá, ông có thể nói rõ hơn về từ "mệt" trong ngoặc kép đó không? Điều cuối cùng là, nếu vợ chồng tôi muốn có em bé theo cách này thì chúng tôi phải dự trù chi phí như thế nào?

Vợ chồng tôi vô cùng cảm ơn và rất biết ơn ông. Rất nóng lòng chờ hồi đáp của ông. Chúc Ông sức khỏe để mang niềm vui đến với bệnh nhân của mình. 

Chào ông,

1. Ông vẫn cần thử lại tinh dịch vì khoảng <1% các trường hợp đã triệt sản, thử lại không còn tinh trùng trong tinh dịch nữa nhưng vài năm sau thì ống dẫn tinh tự thông lại, và có tinh trùng lại.

2. Tuổi vợ ông cũng bắt đầu cao, nếu muốn có con nhanh thì có lẽ biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng được lấy từ tinh hoàn của ông là thích hợp hơn. Do vậy, ông cần được sinh thiết tinh hoàn (khi mổ sinh thiết tinh hoàn, bác sĩ có thể lấy mô tinh hoàn trữ lạnh, để sau này khi làm thụ tinh thì chỉ cần rã đông, lấy tinh trùng trong đó, không cần mổ ông nữa).

Theo luật pháp Việt Nam, ông không cần phải có giấy hôn thú mới được làm sinh thiết tinh hoàn, nhưng nếu hai vợ chồng ông muốn làm thụ tinh thì phải có giấy hôn thú. Trong lúc chờ đợi đăng ký kết hôn chính thức, vợ ông nên đi khám về sinh sản.

3. Thống kê khoa học ghi nhận, tuổi người chồng cao thì khả năng con sinh ra bị tự kỉ, tâm thần phân liệt cao hơn những người cha trẻ gấp 4 lần. Nói như vậy nhưng khả năng này rất thấp, nên theo tôi, nếu mong ước có con thì vợ chồng ông vẫn cứ tiến hành.

4. Một đứa trẻ sinh nhờ thụ tinh trong ống nghiệm hay nhờ quan hệ tự nhiên đều có khả năng bị dị tật, nhưng đứa trẻ sinh qua thụ tinh trong ống nghiệm có tỉ lệ dị tật cao hơn vì chúng dễ bị sanh thiếu tháng hơn. Tôi gởi đính kèm khuyến cáo khoa học do Hội Sinh Sản Hoa Kỳ (hội này là của những chuyên gia về thụ tinh trong ống nghiệm, hỗ trợ sinh sản) đưa ra, trong đó có nói tới thuận lợi và bất lợi của các phương pháp điều trị hiếm muộn cho người đã triệt sản nam. Ông cũng có thể tìm đọc các khuyến cáo này tại website: http://www.asrm.org/ASRM_homepage/

5. Về chi phí, ông cần liên hệ với bệnh viện mà ông dự định sẽ làm thụ tinh ống nghiệm. 

Chúc vợ chồng ông sớm có tin vui.

TS BS Nguyễn Thành Như

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả