• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Hỏi - Đáp
  • Chủ nhật - 23/10/2011 - (3,404 lượt xem)

Vô sinh do tinh dịch ít

Luut…@gmail.com



Thưa BS,

Em đã đọc nhiều bài viết cũng như tư vấn của BS, nhưng đến hôm nay mới dám mạo muội viết vài dòng cho BS.

Số là em đang gặp vấn đề về đường con cái (em cưới vợ và sinh hoạt bình thường đã 3 năm nhưng vẫn chưa có con). Trước đây vợ chồng em có đến Khoa hiếm muộn của BV Từ Dũ để khám và làm các xét nghiệm. Kêt quả vợ em bình thường, nhưng đến khi xét nghiệm tinh dịch đồ của em thì bác sĩ bảo là lượng tinh dịch ít, không đủ để làm xét nghiệm và hẹn lần sau đến lấy mẫu lại. Do em  ở tận Vĩnh Long, công việc nhiều nên đến nay em cũng chưa đến làm xét nghiệm tinh dịch được. Vả lại bình thường thì lượng tinh dịch của em cũng không nhiều hơn bao nhiêu nên em sợ lại không đủ số lượng như lần trước.

Xin BS cho em lời khuyên và hướng điều trị. Rất mong nhận được hồi âm của BS dù biết BS bận "trăm công ngàn việc". Chân thành cảm ơn BS.


Bạn thân mến,

Trước hết, bạn cần biết vài điều cơ bản sau đây:

- Hệ thống tạo tinh trùng bao gồm hàng trăm ngàn các ống sinh tinh nằm trong tinh hoàn. Tinh trùng được tạo ra tại các ống này sẽ chui ra khỏi tinh hoàn, tới kho chứa là mào tinh. Mỗi khi xuất tinh, tinh trùng sẽ từ kho chứa chạy vào ống dẫn tinh (ống dẫn tinh bắt đầu từ bìu, chui vào bụng rồi vòng ra sau bàng quang để đổ vào ống tiểu ngay vị trí của tuyến tiền liệt). Tại tuyến tiền liệt, ống dẫn tinh sẽ hợp lưu với ống túi tinh để thành 1 ống duy nhất.

- Mỗi lần xuất tinh, thể tích tinh dịch vào khoảng 2-6 ml.

- Tinh dịch có được là một hỗn hợp của dịch túi tinh (chiếm 70% thể tích tinh dịch), dịch tuyến tiền liệt (chiếm gần 30% thể tích tinh dịch) và dịch của tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh (bao gồm cả tinh trùng) chỉ chiếm khoảng 1-2% thể tích tinh dịch thôi. Sự sản xuất các dịch này chịu sự chi phối của testosterone do tinh hoàn tiết ra. Bản thân hoạt động của tinh hoàn lại chịu sự chi phối của một cơ quan nằm rất xa tinh hoàn là tuyến yên (nằm trong não).

Như vậy, tinh dịch ít có thể do các nguyên nhân sau:

1. Suy tinh hoàn nặng (hai tinh hoàn vừa không sinh tinh trùng vừa không tiết ra đủ lượng testosterone cần thiết). Khi đó hai tinh hoàn của bạn sẽ nhỏ xíu như cái trứng cút, bộ sinh dục hoặc không lông, hoặc như cánh rừng thưa. Nguyên nhân suy tinh hoàn có thể là:

a. Hoặc do tuyến yên không tiết ra đủ các chất điều khiển hoạt động của tinh hoàn. Bệnh này thường bẩm sinh.

b. Hoặc do hai tinh hoàn bị hư hại hoàn toàn (ví dụ do viêm nhiễm nặng, do chấn thương làm dập nát 2 tinh hoàn, hay do phẫu thuật cắt bỏ hai tinh hoàn vì ung thư...).

2. Hai tinh hoàn của bạn bình thường nhưng:

a. Hoặc 2 ống dẫn tinh không có bẩm sinh, kèm theo đó 2 túi tinh cũng không có hay teo nhỏ.

b. Hoặc 2 ống dẫn tinh bị tắc toàn bộ, 2 ống phóng tinh cũng bị tắc hoàn toàn, do vi trùng lao gây ra.

c. Hoặc 2 ống dẫn tinh vẫn thông nhưng 2 ống phóng tinh bị tắc do:

i. Hoặc có 1 nang tuyến tiền liệt chèn ép 2 ống này.

ii. Hoặc 2 ống này bị tắc do sẹo (sẹo này do viêm nhiễm trùng trước đó tạo ra).

3. Hai tinh hoàn của bạn bình thường nhưng bạn bị tình trạng xuất tinh ngược dòng. Ở trường hợp này, khi giao hợp bạn vẫn có khoái cảm nhưng khi xuất tinh thì chỉ thấy dương vật co bóp mà không thấy giọt tinh nào chảy ra.

4. Hai tinh hoàn của bạn bình thường nhưng bạn bị tình trạng khó hoặc không xuất tinh được. Nếu bị rơi vô tình trạng này, khi giao hợp bạn chẳng thấy chút khoái cảm nào hết, mệt quá thì nghỉ thôi.

Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ có hướng điều trị cụ thể cho bạn như sau:

1.a. Chích bổ sung FSH, hCG. Sau 6-9 tháng, 60% bệnh nhân không chỉ có tinh trùng, có con tự nhiên được mà còn có thể cao thêm từ vài cm đến cả chục cm, dương vật to và dài ra, lông phát triển, cơ bắp hùng dũng. Tuy nhiên, việc điều trị khá tốn kém, khoảng vài chục triệu đồng. Ngoài ra, thuốc hCG cũng hơi hiếm, ngoài thị trường lúc có lúc không.

1.b. Bác sĩ bó tay.

2.a. Bạn có thể có con bằng thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng được hút từ mào tinh. Khả năng có thai là khoảng 30%, chi phí mỗi lần thụ tinh cỡ 1 cây vàng (thời điểm hiện tại). Cùng với các bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Hồ Mạnh Tường, chúng tôi đã thực hiện kỹ thuật này lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2/2002. Hiện nay, kỹ thuật này được thực hiện phổ biến tại các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm của cả nước. Phổ biến tới mức một số nơi đã quá đà, sai chỉ định, trường hợp vô sinh không tinh trùng nào cũng chọc kim vô mào tinh để hút tinh trùng, làm hư hại mào tinh nên bệnh nhân chẳng thể có con tự nhiên được nữa (bằng cách nối ống dẫn tinh với mào tinh).

2.b. Cũng như trường hợp 2.a, bạn chỉ có thể có con bằng thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng được hút từ mào tinh hay tinh hoàn.

2.c. Bạn có thể có con nhờ phẫu thuật nội soi xẻ nang tuyến tiền liệt (trường hợp 2.c.i.) hay cắt bỏ mô sẹo làm tắc ống phóng tinh (trường hợp 2.c.ii.). Tỉ lệ có tinh trùng sau mổ là 60% trường hợp. Tỉ lệ có thai tự nhiên sau mổ là khoảng 30% trường hợp.

3. Khả năng trị hết xuất tinh ngược dòng khá thấp, dưới 30% trường hợp. Bạn có thể có con bằng cách thụ tinh nhân tạo. Bạn sẽ được cho uống thuốc để kiềm hóa nước tiểu, rồi xuất tinh, sau đó bạn tiểu vào 1 cái lọ. Bác sĩ sẽ lấy tinh trùng đó để lọc rửa, bơm vào buồng tử cung của vợ bạn (ngày trứng rụng), hoặc cấy trong ống nghiệm.

4. Dùng các thuốc kích thích alpha, khoảng 20-30% bệnh nhân xuất tinh được, có con tự nhiên được. Số còn lại phải thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng được lấy từ trong tinh hoàn. Một số trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm, do không biết thủ thuật tìm tinh trùng trong tinh hoàn, nên cũng dùng kim chọc mào tinh để tìm tinh trùng. Cách này thường thất bại, chẳng tìm thấy con tinh trùng nào mà còn gây hư nát bét mào tinh, khiến bệnh nhân mất cơ hội có con tự nhiên.

Hy vọng rằng phần trả lời trên giải tỏa được phần nào ưu tư của bạn.

Chúc gia đình bạn sớm “thêm tô thêm chén”.

TS BS Nguyễn Thành Như

Lưu ý: Bạn nên dành nhiều thời gian cho việc kiếm con vì tuổi người vợ càng cao (nhất là sau 35 tuổi) thì khả năng có thai càng giảm.

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả