Làm sao để thành một bác sĩ ngoại khoa giỏi? Tu nghiệp "Nghe", "Thấy", "Sờ"

duyyds@yahoo.com.au

Chào Thầy!

Em là sinh viên y năm thứ 4. Em có vài câu hỏi muốn hỏi Thầy:

1. Từ năm thứ Tư, lần đầu em được học môn Tiết niệu. Em nghĩ mình sẽ theo đuổi chuyên khoa này trong tương lai. Tuy nhiên hiện tại, trong các môn học thì em học khá nhất môn Nội khoa vì cách suy luận logic của nó (trong những năm cơ sở thì em thích Sinh lý và Dược lý), em thích học Nội khoa hơn môn Ngoại tổng quát. Cũng chính vì điều này mà em quan tâm đến Niệu khoa, vì theo em Niệu khoa không chỉ đơn thuần là chuyên ngành phẫu thuật. Khi em nói với các bạn em sẽ theo ngành Niệu thì các bạn rất ngạc nhiên vì trước giờ em học tốt Nội khoa hơn Ngoại khoa. Em muốn hỏi kinh nghiệm của Thầy, như vậy em có thể theo đuổi được chuyên ngành Niệu không? Thầy có thể cho em thêm lời khuyên.

2. Câu hỏi này em muốn hỏi Thầy về việc học ngoại ngữ. Hiện tại khả năng tiếng Anh của em khá. Em dự định năm sau sẽ thi IELTS. Tuy nhiên, em thấy các học bổng về Niệu khoa thì nhiều hơn ở các nước nói tiếng Pháp (em đọc từ kinh nghiệm du học của Thầy). Theo Thầy, em có nên học thêm tiếng Pháp không hay cứ tập trung thật tốt cho tiếng Anh? Thầy có thể cho em biết các học bổng về Niệu khoa của các nước nói tiếng Anh trong tương lai như thế nào?

Em mong sớm nhận được hồi âm của Thầy. Chúc Thầy nhiều sức khỏe.

Chào em,

1. Ngày xưa tôi chọn Ngoại khoa chẳng qua vì thấy các vị Nội khoa nghiêm nghị quá, còn các bác sĩ Ngoại khoa thường cởi mở dù có hay nóng nảy hơn các nhà Nội khoa. Tôi chọn Tiết niệu là vì tôi chọn Thầy hướng dẫn. Khi tôi thi nội trú, bạn hạng nhất chọn Tai Mũi Họng, bạn hạng nhì chọn Phẫu Nhi, tôi hạng 3, tôi chọn Tiết Niệu vì Thầy hướng dẫn Tiết niệu lúc đó là GS Ngô Gia Hy. Rồi tôi chọn Nam khoa là do "dòng đời đưa đẩy". Tôi học tiết niệu với TS Jurascheck từ 1993 đến 1994, "không may" ông Thầy này lại thích tình dục học, nên tôi học luôn môn này. 1994-1995, tôi học GS Michel, một bác sĩ Tiết niệu nhưng cũng thích làm Nam khoa. Khoa của ông có tên là Service d'Urologie et d'Andrologie, nên tôi học luôn AFSA en andrologie. 1995-1996, tôi đến Lausanne thì người bác sĩ mà tôi thân là TS Wisard cũng là chuyên viên Nam khoa. Năm 1998 về lại BV Bình Dân thì Tiết niệu đã là cánh đồng đầy hoa quả trong khi Nam khoa chỉ là mảnh đồi trọc. Thế là tôi xin vác cuốc ra cái đồi đó để cày xới. May mắn sao, tay tôi không bị run khi mổ vi phẫu nên mới mổ Nam khoa được. Trong số hơn 40 bác sĩ mà tôi đào tạo Nam khoa, chỉ có mỗi một em bác sĩ còn rất trẻ là có kỹ năng bẩm sinh này: tay không run, còn các em khác đều có bàn tay run ít nhiều. Tay run nặng thì chẳng thể mổ vi phẫu, tay run vừa thì chỉ mổ được giãn tĩnh mạch tinh, tay run nhẹ thì chỉ nối được ống dẫn tinh chứ không thể nối được ống dẫn tinh với mào tinh, nối động mạch lưng dương vật.

Như vậy, kinh nghiệm của tôi là, nếu muốn đi Ngoại khoa thì em cần có một tính cách phù hợp: cởi mở, thân thiện, thích làm việc tập thể, có bàn tay khéo léo và cần có cái đầu "lạnh" khi chứng kiến máu tuôn xối xả. Nếu thích độc lập làm việc, cặm cụi một mình thì nên đi Nội. Nếu hơi nhút nhát thì đừng đi Ngoại. Làm Nội khoa cũng có thể phải có đầu "lạnh" khi trực cấp cứu nhưng thường là do bệnh diễn tiến cấp, bác sĩ nhảy vô cứu; còn tình huống khẩn cấp của Ngoại khoa có thể do chính bác sĩ gây ra như đang mổ mà máu phun có vòi, không "lạnh" thì bệnh nhân chết trên tay mình. Ngoại tổng quát hay Tiết niệu hay Ngoại thần kinh ...khi đi sâu vào từng chuyên khoa thì đều có những mảng có tính "nội khoa" nhiều hơn. Ví dụ, trong Tiết niệu, Nam khoa và Niệu động học là những mảng (những chuyên khoa phụ) có tính nội khoa cao hơn là ngành Sỏi niệu, Bướu niệu, Nội soi niệu. Kế tới là kỹ năng bẩm sinh, nếu một bác sĩ có tay run dù là nhẹ thì chẳng thể mổ Nam khoa giỏi được. Sau cùng, bác sĩ nào cũng cần có nền tảng giải phẫu, sinh lý, dược lý...Một bác sĩ ngoại khoa mà giỏi những môn này, giỏi nội khoa thì sẽ dễ "bứt tốp" trở thành bác sĩ giỏi, còn nếu không thì em chỉ có thể trở thành bác sĩ nhiều kinh nghiệm mà thôi. Một bác sĩ nhiều kinh nghiệm có thể giải quyết tốt 95% các mặt bệnh nhưng chính cái 5% còn lại mới quyết định ai giỏi, ai không giỏi. Mà nền tảng của cái 5% đó là sinh lý, dược lý, nội khoa....

Vậy thì, em có nền tảng để thành bác sĩ ngoại khoa giỏi, vấn đề là tính cách của em có phù hợp với ngành ngoại khoa hay không, tay có khéo léo không, đầu có đủ "lạnh" không. Tôi có biết một số bác sĩ tính cách không phù hợp với ngoại khoa nhưng vẫn cố chọn ngoại khoa, và sau 10-15 năm theo ngành mổ xẻ, họ dần dần chuyển qua làm nghề viết kịch, thông dịch, viết sách giáo khoa, viết truyện chưởng v.v...chứ không mổ xẻ gì được nữa.

2. Đi tu nghiệp y lâm sàng ở nước ngoài có nhiều dạng chứ không phải cái nào cũng là tu nghiệp:

- Dạng thấp nhất và phổ biến nhất là tham dự một khóa học vài tuần, 1-2 tháng, do tự bỏ tiền túi hay được tài trợ. Khóa học này có thể được tổ chức tại Thái Lan, Pháp hay Mỹ do một hội y học, do một trường đại học uy tín hay do WHO tổ chức. Học viên các nơi được tập trung về, các giảng viên được mời tới. Sau khóa học có một tờ giấy chứng nhận, thế thôi, đơn thuần lý thuyết. Dạng học này tôi gọi là dạng "Nghe". Nhiều người đi học về bỗng dưng xưng tụng tôi là học trò thầy A, rất nổi danh trên thế giới, quên sạch công lao những người thầy Việt Nam...nghe cứ tưởng như thầy A cầm tay chỉ việc. Thực ra, ông thầy A này chỉ là giảng viên được mời đến giảng 1-2 buổi rồi về, vậy thôi.

- Dạng kế đến là tham quan (visitor, observer), tự bỏ tiền túi hay được tài trợ một phần hay toàn phần. Người học được vô bệnh viện, đi theo một ông thầy, gặp bệnh nhân, vô phòng mổ và chỉ …đứng ngó mà thôi, không bao giờ được khám, được sờ bệnh nhân chứ đừng nói tới chuyện được phụ mổ, được làm. Thời gian học linh động tùy theo khả năng tài chính của đơn vị tài trợ hay túi tiền của người đi học. Dạng học này tôi gọi là dạng "Thấy". Người đi học dạng này hoàn toàn có thể tự hào nói mình đã từng được học thầy A, nhưng nhiều người thường quá đà, bảo rằng "tôi được mổ này, mổ kia".

- Dạng cao cấp nhất trong học lâm sàng là dạng được làm việc tại nơi đi thực tập, được tham gia khám bệnh, phụ mổ và thậm chí được mổ chính dưới sự giám sát, hướng dẫn của một ông thầy. Dạng này tôi gọi là dạng "Sờ". Cái khác biệt cơ bản giữa dạng Thấy và dạng Sờ là người đi theo dạng Sờ có lương chứ không phải học bổng. Tôi còn nhớ khi tôi vào học năm thứ nhất y khoa, GS Nguyễn Quang Quyền dạy giải phẫu có nói: "trăm NGHE không bằng một THẤY, trăm THẤY không bằng một SỜ". Như vậy, đi tu nghiệp theo dạng Sờ em sẽ được học rất rất nhiều so với hai dạng kia.

Trong các nước phát triển, Tây Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore….việc người bác sĩ nước ngoài được đụng đến người bệnh bản xứ là chuyện hiếm hoi. Nước Pháp có chương trình FFI giúp bác sĩ nước ngoài được "Sờ". Tôi đến Thụy Sĩ cũng may mắn được vô dạng "Sờ" nhờ 2 năm thực tập tại Pháp trước đó. Các nước khác đều đòi hỏi người bác sĩ nước ngoài có bằng tương đương mới được thực tập dạng Sờ như chứng chỉ PLAB ở Anh, ECFMG ở Mỹ. Ở Hà Lan, ở Anh tôi chỉ được học dạng "Thấy" thôi vì không có bằng tương đương của các nước này. Như vậy, không riêng gì Tiết niệu mà các ngành lâm sàng khác ở Pháp đều có chương trình FFI giúp bác sĩ ngoại quốc không có bằng tương đương được thực tập lâm sàng đúng nghĩa. Chính vì vậy, em nên tranh thủ học tiếng Pháp, dĩ nhiên đừng buông tiếng Anh vì ngay cả người Pháp ngày nay cũng sử dụng tiếng Anh, để tìm suất đi học ở Pháp, làm bàn đạp để tiến ra thế giới.

Tôi vẫn khuyên các bạn học trò khi tìm suất đi học nước ngoài, cố gắng chọn đến các nước Âu Mỹ hay Úc, đừng đến các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc...để khi đi học về, gặp họ thì mình dễ nói chuyện hơn vì họ cũng học ở Âu Mỹ về như mình, chứ nếu mình đi học ở họ thì sau này gặp lại họ sẽ khó nói chuyện, sẽ dễ có mặc cảm là "học trò" của xứ họ.

Sau cùng, những gì tôi biết có thể lạc hậu, em cần cập nhật thông tin, tìm hiểu xem Pháp còn chương trình FFI không. Chúc em thành đạt.

BS Nguyễn Thành Như

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả