Kính gửi Thầy!
Em là bác sĩ, đã tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, niên khóa 2004-2010. Trong thời gian học Đại học, em tình cờ biết có ngành học Nam khoa, nhưng suốt quá trình học, em không thấy có môn Nam khoa. Nay biết được trang web namkhoa.com nên em viết thư này gửi đến Thầy, xin nhờ Thầy hướng dẫn giùm em xem phải làm thế nào để có thể trở thành một Bác sĩ Nam khoa như Thầy?
Em mong được Thầy hồi âm, cám ơn Thầy!
Nam khoa là một chuyên ngành non trẻ nhưng đã và đang phát triển rất nhanh, trong tương lai sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Các bác sĩ Nam khoa hiện nay đảm trách điều trị các bệnh về tình dục (cho cả nam lẫn nữ), sinh sản ở nam giới (phẫu thuật, hỗ trợ sinh sản), bất thường bộ sinh dục (của cả nam và nữ), các bệnh lây truyền qua đường tình dục nam và các bệnh liên quan đến nội tiết sinh dục nam (suy tuyến sinh dục).
Một bác sĩ chuyên về hỗ trợ sinh sản cũng có thể trở thành một bác sĩ Nam khoa nếu bác sĩ này đi chuyên sâu vào lĩnh vực sinh sản nam. Tương tự, một bác sĩ Nội tiết, Da liễu, Tâm thần, thậm chí kể cả bác sĩ Tim mạch hay Đa khoa cũng có thể trở thành một bác sĩ Nam khoa nếu họ đi sâu vài bệnh lý nam giới. Tuy vậy, nếu muốn trở thành một bác sĩ Nam khoa thực thụ, trước hết em cần trở thành một bác sĩ Tiết niệu. Có đến một nửa, thậm chí 2/3 hội viên các hội Nam khoa, Y học giới tính trên thế giới xuất thân từ các bác sĩ Tiết niệu. Những vị trí chủ chốt của các hội này; cũng như chủ biên các tạp chí Y học nam khoa, Y học giới tính; chủ tọa các hội nghị Nam khoa, Y học giới tính cũng thường là các bác sĩ Tiết niệu.
Bác sĩ Nam khoa phần lớn là bác sĩ Tiết niệu, nhưng không có nghĩa là bác sĩ Tiết niệu nào cũng trở thành bác sĩ Nam khoa được. Nam khoa là một chuyên ngành phụ (subspeciality) của chuyên ngành Tiết niệu. Do vậy, để trở thành bác sĩ Nam khoa, bác sĩ Tiết niệu cần được đào tạo thêm các chứng chỉ về Nam khoa như tình dục học, y học sinh sản, vi phẫu thuật….
Quay trở lại với câu hỏi của em. Nếu có ý định muốn trở thành một bác sĩ Nam khoa theo đúng nghĩa, theo tôi, trước hết em nên đăng ký học chuyên ngành Tiết niệu đã. Thời gian đào tạo (sau đại học) một bác sĩ Tiết niệu ở một số nước tiên tiến như Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ… mất khoảng 4 - 6 năm, còn ở Việt Nam mất khoảng 2 năm (Chuyên khoa cấp 1 hay Thạc sĩ). Sau đó, hoặc cùng lúc với quá trình học Tiết niệu, em sẽ học thêm các chứng chỉ về Nam khoa. Tại châu Âu, Hội Niệu khoa châu Âu thường xuyên tổ chức các chứng chỉ này, rải dài trong 2 năm. Ngoài ra, em cũng cần đến thực tập tại một cơ sở Nam khoa nữa. Ở Việt Nam, bộ môn Tiết niệu, đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh có mở chứng chỉ Nam khoa đơn thuần lý thuyết dành cho các học viên Tiết niệu hậu đại học (nhưng không gọi là chứng chỉ nam khoa mà gọi bằng một cái tên nghe rất lạ là “chứng chỉ nam giới học”). Tuy nhiên, đại đa số giảng viên ở đó là các bác sĩ thuần túy về Tiết niệu hơn là Nam khoa. Còn các trường đại học khác thì vẫn chưa tổ chức được loại hình này (thật đáng tiếc!).
Tại bệnh viện Bình Dân trước đây, khi còn là Trưởng Đơn vị Nam khoa, rồi Trưởng khoa Nam học, với sự cho phép của Ban Giám Đốc bệnh viện, tôi có tổ chức dạy Chứng Chỉ Nam Khoa Lâm Sàng ngay tại khoa, bao gồm các bài giảng lý thuyết (dưới hình thức seminaire) và phần thực hành tại phòng khám, tại khoa cũng như tại phòng mổ cho các bác sĩ đã học xong Tiết niệu (có mở rộng cho cả các bác sĩ chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, Ngoại khoa, Đa khoa, Đông y…). Sau khi học xong, học viên có đủ khả năng khám các bệnh về nam khoa như rối loạn tình dục, vô sinh, bất thường bộ sinh dục…và thực hiện được các phẫu thuật về vô sinh nam, tạo hình bộ sinh dục….Hiện tại, nếu cần học lý thuyết Nam khoa mà chủ yếu là lĩnh vực tình dục học hay nội tiết học, em có thể vào website của Hội y học giới tính thế giới (www.issm.info) hoặc Hội y học giới tính châu Á-Thái Bình Dương (www.apssm.org) để tìm các lớp học về chuyên ngành này. Với tư cách là Ủy viên Ban chấp hành Hội Y học giới tính châu Á – Thái Bình Dương (APSSM), tôi có thể giới thiệu em tham dự các lớp này (với hy vọng chi phí sẽ giảm nhẹ hơn). Tuy nhiên, em phải đáp ứng đủ điều kiện là đã học xong Tiết niệu hoặc đang hoạt động trong ngành Y học giới tính, Y học sinh sản. Ngoài ra, vốn tiếng Anh của em cũng phải từ khá trở lên (IELTS ≥ 6.5).
Nếu có điều kiện, em cũng có thể tìm một suất đi học tại Pháp dưới danh nghĩa FFI, rồi trong quá trình làm FFI, em đăng ký học chứng chỉ Nam khoa của Pháp. Hoặc em cũng có thể sang Úc học về nam khoa cũng được (www.andrologyaustralia.org). Tôi không khuyến khích em tìm học nam khoa tại các nước lân cận như Thái Lan, Philippines, Indonesia vì trình độ nam khoa của họ không hơn Việt Nam bao nhiêu. Tôi cũng không khuyến khích em học nam khoa tại Hàn quốc, Trung quốc hay Ấn độ vì nhiều biện pháp điều trị của họ không được quốc tế công nhận rộng rãi, tính thuyết phục không cao như các phẫu thuật kéo dài, làm to dương vật, phẫu thuật chữa xuất tinh sớm…. Nếu sang Singapore hay Malaysia học nam khoa thì em được học chủ yếu về lĩnh vực tình dục học hay hỗ trợ sinh sản cho nam giới, chứ về phẫu thuật nam khoa họ không phát triển bao nhiêu.
Về sách vở, bộ
sách nam khoa “gối đầu
giường” chính là bộ
Campbell-Walsh Urology xuất bản năm 2007.
Các tạp chí chuyên ngành nam khoa
là Journal of Urology, Urology, Asian Journal of Andrology
v.v….sách tiếng Việt thì có
quyển "Nam khoa lâm sàng" do tôi
biên soạn, được xuất bản
năm 2013.
Tóm lại, để được học nam khoa hoàn chỉnh cả về lý thuyết lẫn thực hành, em nên tìm đến châu Âu là lý tưởng nhất (Hội Niệu khoa châu Âu (www.uroweb.org). Em cũng có thể tham gia các chứng chỉ lý thuyết nam khoa thường được tổ chức đi kèm với các hội nghị thường niên của Hội Niệu khoa Hoa kỳ (www.auanet.org), Hội Nam khoa Hoa kỳ (www.androsociety.org), Hội Y học Giới tính thế giới (www.issm.info), Hội Niệu khoa Thế giới (www.siu-urology.org). Tôi rất sẵn lòng trả lời các thắc mắc của em liên quan đến việc học Nam khoa. Hy vọng sẽ có thêm những đồng nghiệp trẻ, tâm huyết với nghề trong tương lai.
Chúc em đạt được ý nguyện !
TS BS Nguyễn Thành Như
Kính gửi: TS BS Nguyễn Thành Như. Thưa Bác sĩ, tôi rất ngạc nhiên khi thấy Bác sĩ khuyên nên để...
Tốt nghiệp chuyên ngành Ngoại – Sản, Đại học Y Dược TP. HCM năm 1988 (hạng Danh Dự). Được đào tạo...
Chào anh P. ! Dương vật cấu tạo chính là 3 ống: 2 ống thể hang và 1 ống thể xốp. Các ống này được...
Kính chào Bác sỹ Nguyễn Thành Như! Lời đầu tiên vợ chồng em gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bác sỹ Như...
Các câu hỏi có thể viết tiếng Việt, questions can be in English, on peut poser des questions en...
Xin kính chào Bác sỹ ! Em tên là T… hiện đang sinh sống và làm việc ở Singapore. Dương vật của...
Ngô Gia Hy, Ngô Thanh Mai, Nguyễn Thành Như. Chấn thương niệu đạo trước: can thiệp sớm? Tập san Sinh...
Chào bác sỹ! Cháu đã hơn 30, người yêu cháu gần 50 tuổi. Cả hai đều quá bận với công việc, anh ấy...
Con xin chào Bác sĩ, con có vấn đề này xin Bác sĩ tư vấn giúp con. Chuyện là như thế này ạ, bữa...
(Nguồn: Tuổi trẻ online...