Làm Sao Để Trở Thành Một Chuyên Gia Ngành Chuyển Giới Tính?

…an…..uyen….@yahoo.com

Thưa Bác sĩ Như,

Hiện tại cháu đang du học tại Mỹ, chuyên ngành Sinh học. Cháu học được 3 học kì rồi, điểm GPA của cháu luôn được 4.0. Cháu là một người đồng tính có xu hướng chuyển giới, nên cháu rất hiểu tâm trạng đau khổ, mỏi mòn của những người có cùng hoàn cảnh. Chính vì vậy cháu muốn trở thành một chuyên gia y khoa để có thể giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ như mình.

Thưa Bác sĩ, Bác có thể tư vấn giúp cháu là nếu theo học bác sĩ để làm phẫu thuật chuyển giới thì cháu nên học chuyên khoa nào? Và nên bắt đầu ra sao?

Cháu mong nhận được sự hồi âm của Bác. Cháu thân thành cám ơn.

Bạn thân mến !

Trước tiên, xin chia sẻ với những suy nghĩ rất đáng trân trọng của bạn. Về câu hỏi “Làm sao để trở thành chuyên viên của chuyên ngành chuyển giới tính?”, theo tôi, bạn có thể chọn học những ngành sau:

1. Tâm lý (psychology). Chuyên viên tâm lý có thể là bác sĩ, cũng có thể không. Có 2 con đường để trở thành một nhà Tâm lý giới tính:

1.1. Bạn theo học ngành Tâm lý chung, sau đó đi sâu vào lĩnh vực Tâm lý giới tính cho những người muốn chuyển giới. Nếu theo đuổi ngành này có lẽ thời gian học sẽ ngắn hơn, "dễ" hơn vì không phải trải qua giai đoạn đào tạo để trở thành bác sĩ. Theo tôi biết thì Việt nam chưa có ai được đào tạo về ngành này.

1.2. Bạn cũng có thể tốt nghiệp Y khoa, sau đó học tiếp chuyên ngành Tâm thần (psychiatry) mất khoảng 4-5 năm, rồi đi sâu vào lĩnh vực Rối loạn giới tính. Ở VN có đào tạo bác sĩ chuyên ngành Tâm thần nhưng chưa có ai được đào tạo về lĩnh vực Rối loạn giới tính. Thường các bác sĩ "chê" ngành Tâm thần vì khó học, khô khan, hơn nữa bệnh nhân của ngành này là đối tượng khá đặc biệt, nên sẽ không quá khó khi xin vào học.

2. Nội tiết (endocrinology). Chuyên viên Nội tiết bắt buộc phải là bác sĩ. Sau khi học xong bác sĩ, bạn hãy chọn chuyên ngành Nội tiết (thời gian đào tạo khoảng 4-6 năm). Trong quá trình học, bạn có thể đi sâu về Nội tiết sinh dục. Tương tự như ngành Tâm thần, các bác sĩ Nội tiết ở VN chỉ chuyên về Tiểu đường, Bướu giáp, một số khác lại chọn lĩnh vực Tuyến thượng thận, nhưng chưa có ai nghiên cứu sâu về Nội tiết sinh dục cả. Vì vậy hiện nay, các bác sĩ Nam khoa thường phải gánh công việc của bác sĩ Nội tiết sinh dục nam, và bác sĩ Hỗ trợ sinh sản bên nữ thì đảm nhiệm luôn vai trò của bác sĩ Nội tiết sinh dục nữ. Sự kiêm nhiệm này không phải là điều đáng khuyến khích, bởi cái gì chuyên môn hóa vẫn tốt hơn. Trong tương lai, nếu có bác sĩ chuyên về Nội tiết sinh dục thì công việc của các bác sĩ Nam khoa hay bác sĩ Hỗ trợ sinh sản nữ sẽ nhẹ nhàng hơn.

3. Phẫu thuật tạo hình bộ sinh dục. Để trở thành bác sĩ mổ tạo hình bộ sinh dục, bạn có thể chọn 1 trong 3 con đường:

3.1. Con đường tối ưu là trở thành bác sĩ chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình (plastic surgery). Ở nước ngoài rất khó xin vào học chuyên ngành này, còn ở Việt Nam, chuyên ngành này chưa hình thành rõ rệt. Nếu muốn học Phẫu thuật tạo hình tại Việt Nam, bạn có thể đến bệnh viện Quân đội 108 (Hà Nội) hay Khoa Vi phẫu tạo hình (bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM).

Ở đây, tôi thấy cần nói thêm với bạn là không nên nhầm lẫn giữa hai ngành Phẫu thuật tạo hình và Phẫu thuật thẩm mỹ (cosmetic surgery). Sự khác biệt cơ bản giữa hai ngành Thẩm mỹ và Phẫu thuật tạo hình là bác sĩ Thẩm mỹ có thể không biết vi phẫu và sử dụng các vạt da, còn bác sĩ Phẫu thuật tạo hình lại rất giỏi những kỹ thuật này. Vì vậy, bác sĩ Thẩm mỹ có thể không phải là bác sĩ Phẫu thuật tạo hình, nhưng bác sĩ Phẫu thuật tạo hình lại có thể trở thành bác sĩ Thẫm mỹ. Một bác sĩ Phẫu thuật tạo hình nếu muốn có tay nghề để mổ "coi cho được" thì phải mất ít nhất 5-6 năm. Sau khi trở thành bác sĩ Phẫu thuật tạo hình, bạn tiếp tục đi sâu hơn vào lĩnh vực tạo hình bộ sinh dục. TS Hage ở Hà Lan - người từng trực tiếp hướng dẫn tôi phương pháp mổ tạo hình bộ sinh dục - là một bác sĩ Phẫu thuật tạo hình hàng đầu thế giới về lĩnh vực tạo hình bộ sinh dục (cả nam lẫn nữ).

3.2. Con đường thứ hai (cũng là con đường tôi đã chọn) là trở thành một bác sĩ Tiết niệu - Nam khoa (urology - andrology). Trước khi trở thành bác sĩ Tiết niệu - Nam khoa, bạn phải được công nhận là bác sĩ Tiết niệu đã. (tham khảo thêm: namkhoa.com/sinh hoạt chuyên môn/trao đổi chuyên môn/làm sao trở thành một bác sĩ Nam khoa?). Muốn trở thành một bác sĩ Tiết niệu, bạn cần học 2-3 năm ở VN hoặc 4-6 năm ở Tây Âu (tùy điều kiện kinh tế gia đình và khả năng của bản thân). Sau khi học xong Tiết niệu, bạn nên học thêm các lớp chuyên sâu về vi phẫu thuật và phẫu thuật tạo hình thì mới đủ năng lực để thực hiện trọn vẹn các phẫu thuật tạo hình bộ sinh dục. Cũng như các bác sĩ Phẫu thuật tạo hình, bác sĩ Tiết niệu - Nam khoa có thể thực hiện tạo hình cả bộ sinh dục nam (tinh hoàn, dương vật) lẫn bộ sinh dục nữ (âm hộ, âm vật, âm đạo). Tuy nhiên, bác sĩ Tiết niệu - Nam khoa sẽ không thực hiện được các phẫu thuật tạo hình tuyến vú, núm vú, chỉnh hình vành tai...cho những người chuyển giới tính. Công việc này thuộc về chuyên môn của các bác sĩ Phẫu thuật tạo hình, nên phạm vi tạo hình của bác sĩ Phẫu thuật tạo hình rộng hơn của bác sĩ Tiết niệu – Nam khoa.

3.3. Nếu chỉ nói đến việc tạo hình bộ sinh dục nữ (không xét đến khía cạnh tạo hình bộ sinh dục cho người chuyển giới tính) thì ngoài bác sĩ Phẫu thuật tạo hình, bác sĩ Tiết niệu - Nam khoa, còn phải kể đến những bác sĩ chuyên về Sản phụ khoa nữa. Sau khi học xong ngành Sản phụ khoa, bạn có thể đi sâu vào lĩnh vực tạo hình bộ sinh dục nữ. Cũng phải nói thêm một điều nữa là trong khi các bác sĩ Tiết niệu - Nam khoa ngoài tạo hình bộ sinh dục nam còn "lấn sân" sang tạo hình bộ sinh dục nữ, thì các bác sĩ Sản phụ khoa chỉ mổ tạo hình bộ sinh dục nữ thôi, không mổ tạo hình bộ sinh dục nam.

Trong ba chuyên viên trên (tâm lý, nội tiết và phẫu thuật tạo hình) thì người quan trọng nhất là bác sĩ nội tiết. Tại Đơn vị giới tính (gender team) thuộc khoa Nam khoa (Department of Andrology) của bệnh viện-đại học Amsterdam, nơi tôi đến học năm 1999, thì các bác sĩ của đơn vị đều là các bác sĩ Nội tiết sinh dục. Các chuyên viên tâm lý được mời đến khám bệnh nhân khi cần thiết hoặc bệnh nhân được các bác sĩ của đơn vị chuyển đến khám tại một cơ sở tâm lý. Tương tự, khi bệnh nhân đã được chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý và nội tiết (thời gian chuẩn bị kéo dài ít nhất là 2 năm) thì bệnh nhân sẽ được chuyển đến khoa Phẫu thuật tạo hình để được mổ. TS Hage, một người Thầy trẻ của tôi, làm việc ở khoa này và Ông chuyên trách về các phẫu thuật tạo hinh bộ sinh dục.

Sau cùng, xin nhắc bạn là ở Việt Nam, các bác sĩ chưa được phép thực hiện chuyển giới tính.

Hy vọng những điều này góp phần giúp bạn chọn cho mình một hướng đi đúng trong tương lai. Chúc ước mơ đầy tính nhân văn của bạn sẽ thành hiện thực!

TS BS Nguyễn Thành Như

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả