Soi tươi tế bào âm đạo trong dịch sinh dục nam

Soi tươi tế bào âm đạo trong dịch bộ sinh dục nam,

một xét nghiệm buồn cười!

TS-BS Nguyễn Thành Như

Một người bạn phóng viên hỏi tôi liệu có thể nhìn thấy tế bào âm đạo khi soi tươi dịch cơ quan sinh dục của nam giới không vì có một trung tâm y tế ở Hà Nội làm được việc này. Nhắm mắt tôi cũng trả lời “không”!

Soi tươi là gì?

Tôi chưa từng được học, được nghe thấy hay đọc thấy chuyện phát hiện tế bào âm đạo khi soi tươi dịch cơ quan sinh dục nam. Nhưng tôi không được phép nhắm mắt mà phải mở mắt để đọc lại các sách chuyên ngành, các bài báo mới được công bố gần đây xem có nhà khoa học nào nói về xét nghiệm mới mẻ này không. Nếu đây là chuyện khả thi thì câu hỏi làm đau đầu bao thế hệ thầy thuốc xưa nay “Làm cách nào để khám một người nam giới và biết họ đã từng giao hợp?” đã được trả lời. Đó là tìm thấy tế bào âm đạo trên dương vật khi soi tươi dịch cơ quan này.

Vậy soi tươi (microscopic examination) là gì? Soi tươi là dùng kính hiển vi để nhìn trực tiếp mủ hay một chất dịch của một cơ quan ví dụ dịch niệu đạo, nước tiểu, dịch âm đạo (huyết trắng), dịch cổ tử cung… được trải mỏng trên lam kính; chất dịch hay mủ này thường đã được cho một tí chất nhuộm màu đặc biệt vào để làm nổi rõ tế bào hay vi khuẩn, ký sinh trùng, sợi nấm, tế bào nghi ung thư muốn tìm. Ví dụ nếu soi tươi mủ hay dịch niệu đạo mà có “song cầu trùng Gram âm hình hạt đậu, nằm bên trong các tế bào bạch cầu đa nhân” thì đó là hình ảnh của vi trùng lậu (hình 1).

Làm sao để soi tươi?

Để thực hiện thủ thuật soi tươi, bác sĩ hay người kỹ thuật viên sẽ lấy một que gòn vô trùng quệt lên chỗ có dịch muốn soi. Ví dụ nếu là mủ thì quệt lấy tí mủ, nếu dịch âm đạo thì quệt trong âm đạo, nếu là dịch cổ tử cung thì quệt cổ tử cung, nếu là dịch niệu đạo nam giới thì quệt ngay lỗ tiểu có dịch chảy ra hay thò que vô trong niệu đạo để ngoáy lấy dịch (đau thấu trời!). Nếu quệt que gòn lên chỗ ít dịch như lên qui đầu viêm đỏ hay vết loét nhẹ thì khó lòng soi tươi được vì thường chẳng đủ dịch để soi.

Vấn đề kế tiếp: Tìm tế bào âm đạo trong dịch soi tươi. Nếu là mủ của niệu đạo, qui đầu hay dịch trong niệu đạo thì không thể có tế bào âm đạo trong đó được rồi. Còn nếu là một vết loét của qui đầu, liệu quệt một cái lên đó là soi có thể thấy được tế bào âm đạo không? Vậy tế bào âm đạo là gì?

Không có cơ sở khoa học!

Tế bào âm đạo thực chất là tế bào của lớp niêm mạc bao phủ âm đạo, cũng giống như tế bào niêm mạc các nơi khác như miệng, niệu đạo, qui đầu... Các tế bào niêm mạc của âm đạo và qui đầu đều là loại “tế bào biể mô vảy nhiều tầng” (stratified squamous epithelium). Nếu quệt dịch trong âm đạo rồi soi mà thấy các tế bào vảy thì đó là tế bào âm đạo (hình 2). Nhưng nếu quệt chỗ khác, ngoài âm đạo, mà thấy tế bào vảy rồi nói đó là tế bào âm đạo có được không? Câu trả lời là không. Bằng biện pháp soi tươi thì chẳng cách nào phân biệt được tế bào niêm mạc âm đạo với tế bào niêm mạc qui đầu.

Hơn nữa, giả sử tế bào niêm mạc âm đạo rất đặc biệt, không thể nhầm lẫn với các tế bào khác, thì quệt lên qui đầu một người đàn ông sau quan hệ tình dục có phải lúc nào cũng thấy tế bào này không? Ta biết một tế bào niêm mạc âm đạo khi bong ra khỏi lớp niêm mạc âm đạo là nó đã chết hay sắp chết. Tế bào não chỉ cần 4-5 phút là chết. Tế bào âm đạo có thể sống dai hơn, nhưng cũng chỉ vài giờ, không quá một ngày. Tế bào chết là nó sẽ phân hủy, chẳng thể biết nó là gì nữa. Bởi vậy, nếu việc soi tươi mà quá một ngày kể từ khi quan hệ thì miễn bàn nữa. Trên thực tế, người ta thường chỉ đi khám khi có bệnh. Thời gian từ lúc nhiễm bệnh (quan hệ) đến lúc phát bệnh (có mủ, có dịch, viêm đỏ) thường là 3-7 ngày, sớm lắm cũng sau 1 ngày vì vi khuẩn cần có thời gian sinh sôi nảy nở.

Tóm lại, tìm thấy có tế bào âm đạo bằng việc soi tươi dịch của cơ quan sinh dục nam là chuyện không có cơ sở khoa học, chẳng có sách vở nào nói tới. Bởi vậy mà chẳng có phòng xét nghiệm nào trên thế giới làm chuyện này, có lẽ trừ trung tâm nói trên.

Lưu ý: Hình minh họa trong bài được trích từ internet, ngoài ra tác giả cũng tra cứu sách “Xét nghiệm sử dụng trong lâm sàng” của GS Nguyễn Thế Khanh và GS Phạm Tử Dương (NXB Y học, 2005) và sách gối đầu giường của các bác sĩ nam khoa: “Campbell-Walsh Urology” (NXB Elsevier-Saunders, 2012)

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả