• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Tin trong nước
  • Thứ bảy - 30/08/2014 - (3,035 lượt xem)

Bác sĩ "kết" thực phẩm chức năng

http://sgtt.vn/Ban-doc/161034/Bac-si-%E2%80%9Cket%E2%80%9D-thuc-pham-chuc-nang.html

Ngày 22.02.2012, 09:30 (GMT+7)

Vấn đề bạn đọc quan tâm

Bác sĩ “kết” thực phẩm chức năng

SGTT.VN - Mặc dù y học chính thống không công nhận tác dụng chữa bệnh của thực phẩm chức năng (TPCN) và chỉ xem như một sản phẩm hỗ trợ điều trị, nghĩa là không nhất thiết sử dụng, nhưng ở nước ta không ít bác sĩ mặn mà với TPCN dù quy định không cho phép.

 

Một đơn thuốc của bác sĩ có bốn loại thì đến hai loại là thực phẩm chức năng. Ảnh: Lệ Hà

Hồn nhiên kê toa...

Mục 3 điều 6 của Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú do bộ Y tế ban hành năm 2008 quy định “người kê đơn không được kê TPCN”, thế nhưng quy định này gần như chỉ tồn tại trên giấy tờ. Thời gian qua mặc dù đã có một số trường hợp bác sĩ kê đơn TPCN bị phát hiện nhưng việc này vẫn không dừng lại.

Cuối tháng 1.2012, chị Hà, 33 tuổi (Hà Nội) đến khám tại bệnh viện đại học Y Hà Nội và được chẩn đoán “Đau đầu do rối loạn vận mạch”. Trong đơn thuốc, PGS.TS N.Đ.T. kê bốn loại thuốc thì có tới hai loại là TPCN. Tại nhà thuốc bệnh viện, chị phải trả hơn 1,4 triệu đồng, trong đó, giá của hai sản phẩm TPCN đã hơn… 1,1 triệu đồng (Sinocit 250mg giá đến 31.000 đồng/viên). Chị Hà than thở: “Lúc bác sĩ kê đơn mình mang thẳng ra cửa hàng mua mà không để ý. Về đến nhà đọc kỹ đơn thuốc mới vỡ lẽ một nửa là… TPCN”.

Trường hợp của chị Hà không phải cá biệt. Phổ biến hiện nay là bác sĩ kê đơn TPCN bằng cách rỉ tai hoặc ghi tên TPCN trên một mảnh giấy nhỏ và chỉ nơi bán cho bệnh nhân. Cách này vừa “né luật” vừa không để lại bằng chứng. Cũng tháng qua, chị Thanh, 48 tuổi (quận Tân Bình, TP.HCM) bị rối loạn kinh nguyệt, đến một phòng khám tư nhân và được chẩn đoán “u xơ tử cung”. Ngoài đơn thuốc, bác sĩ “dặn nhỏ” chị tìm mua N.P.K để uống. Khi hỏi một người bạn làm ngành y, chị Thanh mới biết đó chỉ là một loại TPCN!

PGS.TS Trương Văn Tuấn, phó chủ tịch hội Dược học TP.HCM, cho biết: dù được sản xuất theo quy trình của thuốc tân dược, nhưng TPCN không có nguồn gốc rõ ràng và bằng chứng khoa học thuyết phục, vì thế TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị chứ không thể thay thế thuốc chữa bệnh.

Và hồn nhiên quảng cáo

Không chỉ kê đơn, một số bác sĩ còn tham gia quảng cáo TPCN dưới nhiều hình thức khác nhau. Mới đây, nhân hội thảo sản phẩm TPCN tổ chức tại Nhà văn hoá quận Phú Nhuận, bác sĩ X. chuyên khoa mắt đã thao thao quảng cáo một sản phẩm TPCN được cho là chữa bá bệnh. Để tăng thêm niềm tin cho người nghe, bà X. còn tự nhận hết bệnh mắt do sử dụng TPCN! Tương tự, trong một chương trình sức khoẻ trên VTV mới đây, TS.BS L.T.T. cũng tự nhận mình đã sử dụng một loại sâm giúp chống mãn dục, nhờ thế mà “da dẻ hồng hào và trẻ đẹp hẳn ra” (?)

“Bác sĩ được phép quảng cáo TPCN hay không?”, chúng tôi hỏi PGS.TS Trương Văn Tuấn. Ông nói: “Dựa trên một số bằng chứng kinh nghiệm nào đó bác sĩ có thể tư vấn TPCN cho bệnh nhân, nhưng tư vấn khác với quảng cáo và ở Việt Nam thì ranh giới này lại rất mong manh, dễ dẫn đến lừa gạt người tiêu dùng”.

Không chỉ có mặt nơi công cộng, TPCN còn xâm nhập vào bệnh viện và những cuộc hội thảo khoa học nghiêm túc để thuyết phục giới bác sĩ. Trong năm qua, một bệnh viện phụ sản ở TP.HCM đã dành một buổi chiều để đại diện một thương hiệu TPCN “có tác dụng hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh phụ nữ” vào tiếp thị sản phẩm.

Hiểu biết về quản lý TPCN ở nước ngoài, TS.BS Nguyễn Thành Như, chuyên gia nam khoa, đã so sánh khá đầy đủ sự khác nhau trong hoạt động của TPCN ở Mỹ và nước ta (xem bảng). PGS.TS Trương Văn Tuấn thừa nhận: “Bản thân TPCN không sai, nhưng khi vào Việt Nam nó bị tai tiếng vì sự thiếu chặt chẽ trong quy định và xử phạt chưa nghiêm minh”.

Phan Sơn – Lệ Hà

 

Phạt tiền 30 – 40 triệu đồng cho hành vi thông tin, quảng cáo khiến người tiêu dùng hiểu lầm

TS Nguyễn Huy Quang, phó vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế) khẳng định “quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú do bộ Y tế ban hành đã nêu rõ bác sĩ tuyệt đối không được kê TPCN dưới bất kỳ hình thức nào, ngay cả việc sử dụng hình ảnh quảng cáo TPCN cũng không được. Ngoài ra nghị định 93/2011/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế do Chính phủ ban hành trong năm qua cũng quy định “phạt tiền 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi thông tin, quảng cáo mỹ phẩm, TPCN và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.

Ông Quang cũng cho biết hiện bộ Y tế đang hoàn thiện hướng dẫn quảng cáo thực phẩm, trong đó có nghiêm cấm sử dụng lợi ích vật chất để tác động đến cán bộ quản lý, cán bộ y tế nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; cấm quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; cấm thông tin, quảng cáo quá tác dụng thật của sản phẩm hoặc sử dụng hình ảnh, bài viết của thầy thuốc hướng dẫn dự phòng, điều trị bệnh, sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của cơ quan y tế để quảng cáo thực phẩm.

Lệ Hà (ghi)

 

 

Ý kiến riêng:

- TPCN không phải là thuốc chữa bệnh, may ra thì khi uống kèm với thuốc chữa bệnh, TPCN có thể hỗ trợ cho việc điều trị.

- Ở nước ta, thực phẩm chức năng (TPCN):

o Được quảng cáo quá mức làm nhiều người nghĩ nó có tác dụng chữa bệnh (giống như thuốc).

o Khi quảng cáo TPCN, để lôi kéo người tiêu dùng (bệnh nhân + bác sĩ...), người ta hay dùng chữ "tự nhiên": đem lại sự hồi phục tư nhiên, kích thích hệ miễn dịch, nội tiết...một cách "tự nhiên".

o TPCN được bán với giá quá cao so với thuốc chính hãng (không tính tới các loại generic), giá có khi ngang ngửa hoặc cao hơn. Ví dụ, trước đây, Vitalex - một loại TPCN - có giá cao không thua gì một viên Viagra; hiện tại, có những loại TPCN chữa (!!!) vô sinh có giá còn cao hơn giá của thuốc chữa vô sinh Clomid...

- Trên các lọ thực phẩm chức năng (TPCN) bán ở các siêu thị tại Mỹ, ngoài thông tin các hoạt chất còn có một câu: These statements have not been evaluated by the Food and Drug Administration. This product is not intended to diagnose, treat, cure or prevent any disease (Những điều trình bày ở đây chưa được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm đánh giá. Sản phẩm này không được sản xuất nhằm chẩn đoán, điều trị, chữa lành bệnh hay để phòng ngừa bất cứ bệnh gì). Câu này cũng được chiếu vài giây sau cùng của các đoạn phim quảng cáo một sản phẩm TPCN trên tivi tại Mỹ.

- Theo tôi, cần đưa TPCN trở lại đúng vị trí của nó như bên Âu-Mỹ:

  • Bán ở siêu thị là chủ yếu với giá rất rẻ so với thuốc trị bệnh.
  • Loại nó khỏi các hoạt động làm người tiêu dùng nhầm nó với thuốc (vào các hội nghị y học chuyên ngành, "nghiên cứu lâm sàng", báo cáo khoa học...).
  • Các lọ TPCN bán ở nước ta cũng cần bắt buộc in trên lọ (hay chiếu vào cuối đoạn phim quảng cáo TPCN trên tivi) một câu như: “Sản phẩm này chưa được Cục Quản lý Dược đánh giá. Sản phẩm này không được sản xuất nhằm chẩn đoán, điều trị hay để phòng ngừa bất cứ bệnh gì.”

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả