• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Tin trong nước
  • Thứ năm - 14/05/2015 - (3,642 lượt xem)

Cần thành lập trung tâm điều trị chuyển giới

Báo Thế Giới Tiếp Thị

29/04/2015

Cần lập trung tâm chuyển đổi giới tính

Dự thảo bộ Luật dân sự sửa đổi với bản góp ý của bộ Y tế có đề cập đến chuyển đổi giới tính đã gây tranh luận trong cộng đồng những ngày qua. Để làm rõ khía cạnh chuyên môn, PV TGTT đã trao đổi với TS.BS Nguyễn Thành Như.

TS.BS Nguyễn Thành Như nói: “Lẽ ra chúng ta cần làm việc này từ mấy năm trước vì người chuyển giới cũng là một dạng bệnh nhân, cần được y học chăm sóc, chữa trị như mọi loại bệnh khác. Do không được điều trị, người chuyển giới thường sống đau khổ cả đời, có người tự hủy hoại cơ thể (tự đoạn dương vật), thậm chí có người tự sát!”

Có ý kiến cho phép chuyển giới tính sẽ “gây loạn” vì như thế tội phạm có thể chuyển giới để trốn tránh pháp luật, ông nghĩ sao?

Không thể có chuyện này vì quy trình chuyển giới rất phức tạp, kéo dài, trong đó có phần xác nhận nhân thân kỹ lưỡng trước điều trị. Tội phạm có thể nhờ phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi gương mặt, tránh bị truy nã, nhưng chắc chắn không thể chịu nỗi một quá trình “hành xác” về hormone, phẫu thuật cắt bộ sinh dục gốc và tạo bộ sinh dục mới như trong chuyển giới.

Theo ông, bác sĩ phẫu thuật đều trị được bất thường bộ sinh dục thì cũng phẫu thuật chuyển giới được?

Nói thế chẳng khác gì nói tôi chạy được xe máy thì cũng chạy được xe hơi! Phẫu thuật điều trị bất thường bộ sinh dục do bẩm sinh, bệnh lý hay tai nạn là phẫu thuật chỉnh giới trên một người có bộ sinh dục không hoàn chỉnh, hoặc nếu bị mất do cắt cụt thì vẫn còn cái gốc rễ bình thường bên dưới. Trong khi đó, phẫu thuật chuyển giới là cắt bỏ bộ sinh dục gốc và tạo ra bộ sinh dục mới!

Ông đánh giá thế nào khả năng điều trị chuyển giới (ĐTCG) của bác sĩ trong nước hiện nay?

ĐTCG cần sự phối hợp của chuyên gia nhiều lĩnh vực khác nhau. Về tâm lý, tôi chưa thấy ai được đào tạo bài bản về tâm lý tình dục, tâm lý chuyển giới. Các vị tư vấn tâm lý tình dục thường thấy trên báo chí phổ thông chỉ là những “tay ngang”, tự đào tạo, có duyên viết bài và trả lời thắc mắc cho công chúng, không thể là những nhà chuyên môn chính thống. Về điều trị nội tiết, nội tiết sinh dục nam hiện do bác sĩ nam khoa đảm nhiệm, nội tiết sinh dục nữ do bác sĩ hiếm muộn phụ trách. Nhưng họ chỉ chuyên về nội tiết trong lĩnh vực sinh sản và một số bệnh nội tiết sinh dục đơn giản. Điều trị nội tiết cho bệnh nhân chuyển giới phải là một bác sĩ chuyên khoa nội tiết, được đào tạo sâu về mảng nội tiết sinh dục. Tôi chưa thấy ai trong nước có khả năng này. Về điều trị nội khoa chung cho người chuyển giới, chúng ta cũng cần có một bác sĩ tim mạch chuyên về chuyển giới. Sau cùng, về phẫu thuật, chuyển nam thành nữ không quá khó nhưng chuyển nữ thành nam là rất khó. Trở lại ví dụ trên, không thể biết lái xe máy rồi cứ leo lên xe hơi, tự tập một hồi là biết lái. Muốn mổ được chuyển giới, các bác sĩ cần đi học.

Như vậy, nếu muốn thực hiện được ĐTCG chúng ta cần làm gì?

Cần thành lập một trung tâm ĐTCG. Trung tâm này có thể là một đơn vị độc lập hoàn toàn như mô hình Viện Tim TP.HCM, hay trực thuộc một bệnh viện đa khoa lớn như bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, BV Chợ Rẫy. Không thể để bệnh nhân chạy vòng vòng: phẫu thuật ở BV A, điều trị nội tiết ở BV B, tâm lý ở BV C, luyện giọng nói tại BV D và khám tim mạch tại BV E. Tiếp đến, chúng ta cần liên hệ một trung tâm điều trị chuyển giới lớn trên thế giới để nhờ họ giúp đào tạo đội ngũ và quy trình. Cuối cùng là chọn những bác sĩ có tâm huyết, tay nghề vững, tuổi đời khoảng 35, tuổi nghề khoảng 10 năm, để gởi đi đào tạo. Ở độ tuổi này, các bác sĩ đủ “chín” để tiếp thu nhanh chóng kiến thức mới, không quá trẻ để lóng ngóng, cũng không quá lớn tuổi để bị “chai”, khó tiếp thu, khó dành hết thời gian cho lãnh vực mới. Tôi tin với một trung tâm như thế, sau 5 – 7 năm hoạt động chúng ta sẽ cạnh tranh được với Thái Lan và thu hút bệnh nhân nước ngoài đến điều trị.

Ông nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng ĐTCG sẽ làm tổn thọ 20 năm?

Thông tin này hoàn toàn không chính xác. ĐTCG có trên thế giới mấy chục năm nay nên quy trình điều trị đã được chuẩn hóa. Nghiên cứu khoa học của các trung tâm lớn trên thế giới về chuyển giới tính như nghiên cứu của BS Moore – đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) công bố năm 2003, nghiên cứu của GS Gooren (Hà Lan), công bố năm 2007, cho thấy việc điều trị chuyển giới là an toàn, không làm thay đổi tuổi thọ của người chuyển giới.

Còn nếu cho rằng tuổi thọ của người chuyển giới bị rút ngắn vị họ tự điều trị hay điều trị không đúng quy trình thì điều này chẳng có gì đặc biệt, vì bất cứ việc điều trị cẩu thả nào cho bất cứ bệnh nào cũng đều có thể làm tổn thọ, thậm chí chết người ngay. Nếu nói chung chung là ĐTCG làm tổn thọ thì sẽ khiến dư luận hiểu lầm là ĐTCG cho dù đúng quy trình cũng gây chết sớm!          

Phan Sơn (thực hiện)

Người học về phẫu thuật chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam

Năm 1991 GS Ngô Gia Hy đã đề cập về chuyển giới tính. Năm đó, GS đã trả lời cho bệnh nhân chuyển giới tính là có thật, nước ngoài đã thực hiện được, nhưng Việt Nam thì chưa. Năm 1998, GS Ngô Gia Hy mời GS Gooren (Hà Lan), chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyển giới tính, đến nói chuyện tại đại học Y dược TP.HCM. Tham dự buổi nói chuyện đó, như một cơ duyên, BS Nguyễn Thành Như đã được GS Gooren trao học bổng hai tháng về chuyển giới tính tại Hà Lan.

Năm 1999, BS Như đến học tại Đơn vị giới tính của khoa Nam khoa, viện trường Amsterdam do GS Gooren phụ trách. Tại đây ông được T.S Hage, người đứng đầu thế giới về phẫu thuật chuyển giới thời điểm đó, hướng dẫn.

Năm 2004, BS Như đã phẫu thuật tạo hình dương vật cho một bệnh nhân chuyển giới nữ-thành-nam. Bệnh nhân này sau đó làm được giấy tờ chính thức chuyển tên từ nữ sang nam. Nhưng mãi đến năm 2010 ông mới dám công bố trường hợp này trên báo y học chính thống và tại một hội nghị toàn quốc chuyên ngành tiết niệu. Cho đến nay, ông vẫn thắc mắc không hiểu tại sao bệnh nhân này làm được giấy tờ hợp pháp!

Phan Sơn

 

 

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả