• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Tin trong nước
  • Thứ năm - 04/09/2014 - (1,801 lượt xem)

Đi khám nam khoa... ngoài luồng

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/158965/Di-kham-nam-khoa-ngoai-luong.html

Thứ Tư, 30/08/2006, 06:42 (GMT+7)

Đi khám nam khoa... ngoài luồng

 

TT - Theo những mẩu quảng cáo đăng liên tục trên một vài tờ báo, tôi tìm đến hai phòng khám “chuyên chữa các chứng bệnh nam giới, chữa vô sinh” (một đông y, một tây y) và thật sự thấy sợ hãi cho cái gọi là “tập thể bác sĩ giỏi... chữa nhanh và hiệu  quả các chứng bệnh: rối loạn cường dương, liệt dương...”.

“Mấy bệnh này chữa dễ lắm”

Nơi đầu tiên tôi ghé là một phòng khám tại 876 đường Trần Hưng Đạo (Q.5, TP.HCM). Không thấy ai trong phòng khám, tôi định đi thì nghe tiếng gọi giật lại: “Đến khám hả? Ra đây đăng ký nè!”. Tôi quay lại, một cô mặc áo hai dây màu trắng, quần jean xanh vẫy vẫy tay.

Cạnh cô, một cô áo vàng đang giũa móng tay và một cô đang nặn mụn, cũng áo hai dây, quần jean. Sau khi khai tên tuổi, đóng 20.000đ, tôi được dẫn vào phòng khám. Đó là một dãy ba căn phòng được ngăn lại bằng những tấm ván ép, trống không. Cô áo trắng bảo tôi ngồi đợi rồi chạy lên lầu “gọi bác sĩ xuống liền!”.

“Bác sĩ” mà cô nói là một người đàn ông trung niên, tóc muối tiêu, đeo kính cận, mặc áo mayô và quần tây. “Bác sĩ” ngoắc tay ra hiệu bảo tôi vào phòng khám. Cô áo trắng cũng đi theo. Ban đầu tôi thấy hơi bất ngờ, nhưng khi “bác sĩ” bắt đầu chẩn bệnh tôi mới biết cô này vào đây với vai trò phiên dịch kiêm thư ký!

 

Theo Phòng Quản lý dịch vụ y tế (Sở Y tế TP.HCM), phòng khám Nam Nhi, số 251 Vĩnh Viễn, Q.10 được cấp giấy phép hoạt động năm 2005 với chuyên môn khám nội - ngoại khoa tổng quát và xét nghiệm, không có chức năng chữa bệnh nam giới và vô sinh.

Vậy mà ở đây vẫn ngang nhiên treo bảng, đăng quảng cáo rầm rộ “nhiều năm kinh nghiệm, chuyên chữa bệnh nam giới và vô sinh”. Còn địa chỉ 876 Trần Hưng Đạo, Q.5 đến nay vẫn chưa được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

“Bác sĩ” nói tiếng Hoa, chỉ bập bẹ vài tiếng Việt như “đau lưng”, “đi tiểu”, “mấy tuổi”. Tôi khai đại là mình mắc chứng bệnh cứ ban đêm, khi ngủ mà hơi lạnh một chút là sẽ “ra”. “Bác sĩ” bắt mạch cả hai tay, hỏi vài câu rồi nói một tràng, cô áo trắng nhìn tôi tỏ vẻ thương hại, bảo: “Anh bị bệnh nặng lắm à nha, thận hư hết rồi”.

Thấy vẻ mặt ngơ ngác lẫn buồn rầu của tôi, cô liền dịu giọng: “Anh may đấy, mấy bệnh này ở đây chữa dễ lắm, anh phải uống thuốc liên tục 45 ngày, lấy anh giá hữu nghị 60.000đ/ngày”. Viện lý do không mang đủ tiền, tôi xin hẹn hôm khác. Trước khi rút lui, tôi còn nói rằng mình có người bà con lập gia đình đã lâu mà không có con. Nghe thế, cô áo trắng liền bảo tôi nói người thân đến đây khám, vì “ở đây chuyên môn của “bác sĩ” là chữa vô sinh các loại”.

Tôi tìm đến một phòng khám khác trên đường Vĩnh Viễn (Q.10). Ở đây có vẻ hiện đại hơn với quầy thuốc, nhân viên mặc áo blouse trắng. Mới hơn 9g mà tôi đã là khách hàng thứ 20 trong ngày đến đây.

Sau khi khai tên tuổi, đóng 25.000đ, tôi được một anh nhân viên đeo bảng tên mà dấu đóng đã nhòe, chẳng thấy rõ tên tuổi gì đo huyết áp, nhịp tim rồi sau đó được chỉ lên lầu để khám. Đây là một căn phòng được chia đôi bởi rèm vải. Tiếp tôi là một vị mặc áo blouse đã ngả màu, trên đó thêu tên N.X.H..

Tôi khai bị chứng “chưa hết chợ đã hết tiền” độ hơn hai tháng nay. Hỏi thăm vài câu, vị bác sĩ này bảo tôi kéo áo lên để... đo nhịp tim, ấn ấn bụng mấy cái rồi viết cho tôi một tờ giấy siêu âm, bảo tôi siêu âm xong mang kết quả lên cho ông xem để còn chữa bệnh. Khẽ liếc vào, tôi thấy đánh dấu mấy mục cần phải thực hiện như: điện tâm đồ, thử nước tiểu, thử máu... cũng phải tốn ít nhất là 200.000đ.

Trước khi đi ra, tôi cũng hỏi thăm về trường hợp lấy vợ đã lâu mà không có con, băn khoăn không biết đi đâu chữa cho khỏi. “Ở đây là nơi chuyên chữa trị vô sinh, bảo đảm hết, nói người nhà em đến đây”. Nhưng khi tôi hỏi chữa thế nào, chẩn đoán ra sao, bác sĩ này tỏ ra khá lúng túng và chỉ biết “làm tinh trùng đồ là biết ngay chứ gì!”(?).

 

Quảng cáo của phòng khám 251 Vĩnh Viễn, Q.10 - Ảnh: Quang Kiệt

Cung thấp, cầu cao!

Tại phòng khám nam khoa Bệnh viện (BV) Bình Dân, tôi đã gặp không ít bệnh nhân sau khi chữa trị ở các phòng khám bên ngoài đã lâm vào cảnh tiền mất tật mang, giờ vào đây... để “khắc phục”. Anh C.T. bị tình trạng cương kéo dài, theo quảng cáo đã đến một phòng khám tư.

Ở đây anh bị “đưa đi xét nghiệm, khám tới khám lui hoài, thấy kỳ quá...”, anh đã tìm đến BV Bình Dân và được chữa trị kịp thời. Không may mắn như anh C.T., anh H.P. đến BV Bình Dân chữa quá muộn. Gương mặt anh thẫn thờ khi các bác sĩ cho biết “thằng nhỏ” của anh đã bị xơ hóa do cương kéo dài, không còn “chức năng” nữa. “Tức thật, mình cứ nghĩ họ chữa được. Ai ngờ...” - anh P. bỏ dở chừng câu nói, thở dài.

Đáng thương hơn, anh V.K. và chị T.Y. cưới nhau lâu mà vẫn không con, anh chị tìm đến một phòng khám quảng cáo “chữa được mọi chứng bệnh vô sinh”. Sau khi làm xét nghiệm, tiêm thuốc cho anh K., một thời gian sau chị Y. có thai, nhưng mới chỉ được khoảng 10 tuần thì chị sẩy thai. Chờ mãi mà vẫn chẳng thấy có thai lần nữa, được người quen chỉ, anh chị tìm đến BV Bình Dân.

Ở đây, sau khi các bác sĩ khám cho anh K. đã khẳng định: anh không thể có con vì hai tinh hoàn đã teo nhỏ, không có khả năng sinh tinh. Hỏi ra chị T.Y. mới biết các vị “bác sĩ” ngoài luồng kia đã theo dõi thời điểm rụng trứng của chị và bơm tinh trùng của một người khác vào! Chị T.Y. gần như khóc ngất khi biết được điều này, còn anh V.K. chỉ biết im lặng, ôm vợ vào lòng...

Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày tại BV Bình Dân có khoảng 100 lượt bệnh nhân đến khám nam khoa. “Có hôm đông quá, phải mượn cả phòng khám kế bên” - ThS-BS Nguyễn Thành Như (trưởng đơn vị nam khoa BV Bình Dân) cho biết. Số bệnh nhân đông thế, nhu cầu khám nam khoa cao thế nhưng tại đây chỉ khám từ 12g30-15g30 mỗi ngày (trừ thứ  bảy, chủ nhật) và hiện chỉ có ba bác sĩ phụ trách.

Có lẽ vì thế mà các phòng khám tư bên ngoài mới được dịp “thừa thắng xông lên”, tung quảng cáo rầm trời. Nhiều bệnh nhân không thể khám vào giờ nêu trên cũng phải tìm đến các phòng khám bên ngoài, dù họ biết BV Bình Dân cùng với BV Việt-Đức (Hà Nội) là nơi chữa trị các bệnh nam giới hàng đầu cả nước.

“Tôi chỉ rảnh vào buổi sáng, nhưng ở đó (BV Bình Dân) chỉ khám buổi trưa nên đành đi ra phòng khám ngoài dù không tin tưởng lắm!” - anh T.N., một bệnh nhân tôi gặp ở phòng khám trên đường Vĩnh Viễn, bộc bạch. Một số khác thiếu thông tin lại nghĩ “đến mấy phòng khám ngoài khỏe hơn, ít người hơn, đến bệnh viện đông, lỡ gặp người quen thì...” (?).

QUANG KIỆT

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả