• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Tin trong nước
  • Thứ tư - 10/09/2014 - (1,553 lượt xem)

Khám phá bản lĩnh đàn ông

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20111202/kham-pha-ban-linh-dan-ong---ky-1-khat-khao-song-that/467534.html

Khám phá bản lĩnh đàn ông - Kỳ 1: Khát khao sống thật

02/12/2011 09:18 GMT+7

TT - Khi mà phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã thành công vang dội, mở ra cánh cửa đối với người bị vô sinh có khả năng tài chính khá, thì tại Bệnh viện Bình Dân, ông và đồng nghiệp âm thầm mở tiếp một cánh cửa khác: vi phẫu thuật trị vô sinh, mở ra hi vọng cho hàng triệu đàn ông hiếm muộn với chi phí ít hơn.

Ông được xem là một trong những người kế tục và phát triển ngành nam khoa ở Việt Nam.

Khám phá bản lĩnh đàn ông  - Kỳ 1: Khát khao sống thật Phóng to
BS Như (giữa) trong một buổi hội chẩn nam khoa - Ảnh tư liệu

Năm 2006, bác sĩ Nguyễn Thành Như tiếp một ca đặc biệt. Chàng thanh niên cao to đẹp trai chỉ nói một nguyện vọng duy nhất của mình: “Bác sĩ làm ơn giúp để sau này em có thể qua đời như một người đàn ông!”. Đối với ông, những lời kêu cứu đó như tiếng vang của một khát khao bình thường nhất của con người.

Bác rất muốn giúp con...

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Như tốt nghiệp chuyên ngành ngoại - sản, Đại học Y dược TP.HCM năm 1988. Được đào tạo chuyên ngành tiết niệu tại Bệnh viện Bình Dân và Đại học Y dược TP.HCM từ 1988-1992, sau đó học và nghiên cứu tiếp tại Pháp, Thụy Sĩ, Anh và Hà Lan. Lĩnh vực hoạt động chính của ông từ năm 1999 là nam khoa. Thành quả lớn nhất là việc áp dụng hiệu quả vi phẫu thuật trong điều trị vô sinh nam, xây dựng và phát triển thành công khoa nam học (đầu tiên ở Việt Nam) tại Bệnh viện Bình Dân TP.HCM.

...”Hơn hai năm trước, cháu hằng tuần ghé Bệnh viện Bình Dân gặp bác để làm hội chẩn, để làm xét nghiệm và đủ thứ thủ tục khác. Có lẽ bác cũng không nhớ cháu đâu, vì bác có hàng ngàn bệnh nhân khác. Cháu là X., một trường hợp bị rối loạn giới tính, có mong muốn làm phẫu thuật để được sống thật với chính mình.

Cháu phải sống từ nhỏ trong lốt một người con gái, để rồi mỗi ngày tự nhìn vào gương, cháu thấy lòng quặn thắt khi không biết mình thuộc giới tính nào và tại sao cháu phải chịu những nỗi giày vò như thế. Cháu từng tự tử nhưng không thành. Cháu cứ nhớ hoài những lời bông đùa, trêu chọc của những người cháu gặp tại TP.HCM. Họ là những nhân viên giữ xe, người bán hàng, hay thậm chí là gia đình và bà con hàng xóm. Họ bảo cháu pêđê, đồng tính, bệnh hoạn.

Có lẽ không ai có thể hiểu được cảm nhận của cháu mỗi khi nỗi đau của mình bị người khác chà đạp, bỡn cợt như thế. Và cháu đã tìm đến bác sĩ với hi vọng thật nhiều. Sau khi làm xét nghiệm karyotype tại nhiều nơi, cháu có đưa mẹ đến gặp bác sĩ theo lời đề nghị. Sau cuộc gặp đó, cháu không xuất hiện nữa. Gia đình cháu không ủng hộ cháu trong chuyện này và sau đó cháu đi Mỹ du học. Ở Mỹ, cháu có thể bộc lộ sở thích ăn mặc, đi đứng, nói năng của mình một cách thoải mái. Mọi người ở đây cũng rất cởi mở, thân thiện. Nhưng rồi khi nhìn lại, cháu vẫn đau đáu với sự trớ trêu về giới tính của mình.

... Trước đây, cháu tin bác sĩ là người có thể giúp đỡ cháu, kéo cháu ra khỏi vũng lầy đau khổ này. Nhưng rồi cháu đã phải vùi mình trong sự thất vọng tột cùng. Nhưng cháu không hiểu tại sao, cho đến tận giây phút này, hình ảnh ông bác sĩ trung niên với giọng nói ấm áp và ánh mắt nồng hậu ấy vẫn còn trong ký ức cháu. Ở một khoảnh khắc nào đó, dường như bác sĩ muốn nói với cháu rằng: “X., bác rất muốn giúp con, nhưng pháp luật không cho phép”.

Tháng 5-2011, bác sĩ Như nhận được một email đầy chân thành của cô gái này. Làm sao ông không nhớ được một cô gái xinh đẹp, hiền lành, học hành rất giỏi. Hai năm trước, cô đến khoa nam học một mình, mang theo một ước nguyện rằng cô muốn có được giới tính thật của mình. Câu chuyện mạch lạc, rõ ràng và dứt khoát. Bác sĩ Như lẳng lặng lắng nghe. Ông thấy trong cô gái ấy có cả một niềm kiên quyết tột cùng. Và, như bao ca khác, ông đề nghị được gặp mẹ cô gái. Người mẹ, một nữ trí thức, có địa vị xã hội khá cao. Bà lắng nghe bác sĩ Như với thái độ chân thành. Nhưng rồi câu chuyện không thể tiến triển được: tại VN, thầy thuốc lắc đầu trong chuyện chuyển giới, không phải vì khả năng chuyên môn mà vì pháp luật không cho phép.

Còn gia đình cô gái, họ hiểu và thông cảm hoàn toàn với con gái mình nhưng trong dòng tộc, cô là một sự kỳ vọng. Với đàn em, cô là tấm gương được nêu ra về sự giỏi giang và cố gắng. Áp lực đó đã đóng khuôn hình ảnh và thân phận cô gái này. Chọn con đường du học nhưng ở Mỹ, chính cô lại gửi gắm kỳ vọng và lời cầu cứu về lại cho vị bác sĩ của mình. Ông trở thành nhịp cầu mở ra niềm hi vọng. Ông giới thiệu cô với những người thầy bác sĩ hàng đầu về chuyển giới ở Hà Lan và Mỹ. Cô gái có nói với ông rằng cô sẽ dùng khả năng của mình để làm cho xã hội phải hiểu, cảm thông và chấp nhận về sự xuất hiện của những người như cô.

Câu chuyện số phận

Với bác sĩ Như, những câu chuyện đầy tính thân phận con người luôn luôn xuất hiện. Tất cả hiện ra trên bàn mổ, trên những ca tư vấn đặc biệt hay những dòng tin trên báo chí. Một ngày nào đó, ông mở cửa và thấy những học sinh cấp III hoặc thậm chí cấp II lặng lẽ đến bảo với ông rằng: “Cháu là người đồng tính bác sĩ ơi!”. Sau những giờ tư vấn, ông đều yêu cầu gặp cha mẹ cháu bé. Có nhiều cháu về đưa cha mẹ tới, có em lặng lẽ rút lui sau cái lắc đầu: “Ba má cháu không hiểu đâu bác ơi!”.

Những bậc cha mẹ mà ông gặp, đầu tiên là sự giận dữ hoặc không thể hiểu được, rồi sau đó ra về với sự cảm thông. Nhưng có những câu chuyện kết thúc theo một hướng khác. Một anh chàng cao to đến nhờ ông phẫu thuật chuyển giới. Khi biết rằng việc đó sẽ không bao giờ thực hiện được vì luật không cho phép, năm năm sau ông nghe tin cậu qua đời. Rất nhiều bi kịch có thể diễn ra một khi có trục trặc về giới tính. Những câu chuyện, những tiếng kêu trớ trêu của số phận luôn là một thách thức mà nhiều khi một bác sĩ như ông chỉ có thể bất lực đứng nhìn.

Hỏi ông một định nghĩa dễ hiểu về nam khoa, BS Như nói đơn giản: Nam khoa giải quyết tất cả những vấn đề liên quan đến cơ quan sinh dục. Nếu hai chức năng sinh sản và tình dục có vấn đề bất thường, nó sẽ là chuyện của nam khoa. Và đó là cả một câu chuyện có thể bao trùm cuộc sống con người.

Nhưng với bác sĩ Như, quan điểm của ông là sự dứt khoát: “Công việc của tôi là trị bệnh, giải quyết những nhu cầu có thật của con người. Bác sĩ sẽ làm cho một người đàn ông dị tật, bất lực hoặc vô sinh... có thể phục hồi để trở về với câu chuyện gia đình mình. Dứt khoát nó không phải là câu chuyện “lấy le” hoặc làm đỏm”. Ông không thích ai đề cập chuyện “kéo dài” hoặc làm vài trò phẫu thuật gì đó để đáp ứng nhu cầu quái dị. Đối với ông, những bệnh nhân sắp hàng trước cửa khoa kia, họ cần nhiều thời gian hơn cho những khát khao con cái, khát khao được trở thành một người đàn ông bình thường giữa cuộc sống này...

------------------------------------------------------

Thành lập khoa nam học, sứ mệnh mà BS Như và đồng nghiệp nỗ lực là thực hiện vi phẫu để trị vô sinh nam, mở ra một cánh cửa hi vọng cho hàng triệu con người.

Kỳ tới:Cánh cửa vi phẫu

 

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20111203/kham-pha-ban-linh-dan-ong---ky-2-canh-cua-vi-phau/467673.html

Khám phá bản lĩnh đàn ông - Kỳ 2: Cánh cửa vi phẫu

03/12/2011 09:14 GMT+7

TT - “Tôi bình thường rồi, ông Như ơi!”. Chỉ có bác sĩ Như mới cảm nhận thật sâu cái câu mà ông hay bất ngờ nhận được từ điện thoại của những người đàn ông khác. Đa số bệnh nhân mà ông giúp đều trải qua một cơn sóng gió ngầm trong cuộc đời.

Về ý nghĩa, BS Như chiêm nghiệm nhẹ nhàng: “Nó trả về phương cách tự nhiên nhất, để một người đàn ông hoàn toàn tự tin vào bản lĩnh của mình!”.

Kỳ 1: Khát khao sống thật

Khám phá bản lĩnh đàn ông - Kỳ 2: Cánh cửa vi phẫu Phóng to

Nguyễn Đức bên vợ và hai con sau một ngày làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh: Mai Vinh

Mở đường

Những năm 1997-1998, khi Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ thành công với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thì bên Bệnh viện Bình Dân, BS Như và đồng nghiệp còn đang mày mò cho nền móng ban đầu của một nam khoa. BS Như chọn hướng điều trị vô sinh bởi ngoài việc cần thiết cho hàng triệu người thì ấy là trách nhiệm đương nhiên mà nam khoa phải nhận.

Trong ba phương pháp điều trị vô sinh nam (nội khoa, phẫu thuật và thụ tinh trong ống nghiệm) thì phẫu thuật chính là phương pháp thứ hai trở thành định hướng của BS Như. Ông muốn bắt tay với Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ để hỗ trợ tương tác trên con đường điều trị vô sinh của mình. Năm 2000, BS Như mổ ca đầu tiên.

Kể rằng thời ấy việc phẫu thuật điều trị vô sinh ở VN giống như một niềm tin mong manh vì bao nhiêu ca mổ đã không thành công. BS Như bảo trong các cái may của mình từ thiên thời địa lợi, thì kinh nghiệm quan trọng của những chuyến du học giống như chuyện “thấy người ta xây cao ốc mấy chục tầng thì về nhà mới tự tin là có thể xây được”.

Một trong những thất bại của phẫu thuật điều trị vô sinh trước đó là không thể nào nối được chiếc ống dẫn tinh mỏng manh, chứa mạch nguồn sự sống ẩn sâu trong cơ thể con người, bằng phương tiện và cách thức thông thường. Vi phẫu thuật, với dụng cụ cực nhỏ, những sợi chỉ li ti và độ phóng đại của kính hiển vi mới có thể giúp kết nối những tĩnh mạch đường kính chừng bằng 1/10 sợi tóc. Họ đã thành công.

Đó là một ca nối lại ống dẫn tinh sau chín năm triệt sản. Bộ mặt của điều trị vô sinh thay đổi hoàn toàn. Tắc ống dẫn tinh, giãn tĩnh mạch tinh... những ca mổ đã trở nên dễ dàng nhanh chóng hơn. Tính tiện lợi và chi phí ít của nó mang lại sự phát triển mà chính người trong cuộc cũng không ngờ.

Bắt đầu là những tuần với những con số 60-70 ca một ngày. Rồi vài năm sau, với 2.000 ca trị vô sinh mỗi năm là con số “như mơ” đối với BS Như và đồng nghiệp. Những việc khó như khôi phục tinh trùng trong điều kiện tinh hoàn teo đã lâu thì đến năm 2007 Bệnh viện Bình Dân đã làm được.

Chín năm sau, năm 2009, khoa nam học thực hiện được tất cả các kỹ thuật phẫu thuật liên quan đến điều trị vô sinh và bộ phận sinh dục. Họ đã có thể kết nối tốt việc cung cấp tinh trùng cho phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ở những trường hợp không thể sinh đẻ tự nhiên. Con đường lớn đã mở, mang lại hạnh phúc cho hàng vạn con người...

Khám phá bản lĩnh đàn ông - Kỳ 2: Cánh cửa vi phẫu Phóng to
TS.BS Nguyễn Thành Như

Bác sĩ nhớ em không?

Bao nhiêu ca phẫu thuật, bao nhiêu cuộc “đổi đời”, với BS Như luôn là niềm hạnh phúc. Bệnh nhân của ông có thể là người thân, bạn bè đồng nghiệp hay những người xa lạ. Từ những cán bộ cấp cao gửi ông một lời cảm ơn: “Chú đã qua ba bốn đời bộ trưởng y tế mà không giải quyết được chuyện này!”; cho đến một công nhân một hôm đến đòi thử tinh dịch đồ rồi hỏi: “Bác sĩ nhớ em không?”. Hỏi tại sao tinh dịch đồ bình thường mà còn đi khám? Đáp: “Nếu em không đi khám sao gặp được bác sĩ để cảm ơn. Vợ em có thai hai tháng rồi!”. Một năm trước, BS Như đã phẫu thuật cho bệnh nhân này. Anh là một công nhân quê ở miền Bắc.

Và một nhân vật quen thuộc nhất và cũng ngẫu nhiên nhất đã trở thành một ca đại diện cho sự kết hợp phẫu thuật và thụ tinh trong ống nghiệm hoàn chỉnh là Nguyễn Đức - người được tách từ cặp song sinh Việt - Đức năm 1988. Đám cưới của Đức là cả một sự kiện đầy nhân ái của xã hội. Sau hai năm lập gia đình anh vẫn chưa có con.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, lúc đó là giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, khuyên Đức đến gặp BS Như. Đó là ca phẫu thuật nối ống tinh và nối mào tinh đồng thời lấy tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm. Ca phẫu thuật thứ tư trong cuộc đời Đức đã mang đến điều kỳ diệu. Ngày 25-10-2009, cặp song sinh mang giọt máu của Đức đã chào đời. Đức vỡ òa khi ôm vào lòng một bé trai một bé gái và đặt tên Nguyễn Phú Sĩ và Nguyễn Anh Đào.

Trong ngôi nhà của mình hôm nay, Đức tâm sự bình thường nhưng đầy ý nghĩa: “Vợ tôi đến với tôi đã thiệt thòi nhiều, giả sử ca phẫu thuật ấy thất bại thì người buồn nhiều nhất là vợ tôi. Tôi hiểu được niềm vui từ ngôi nhà có tiếng trẻ con mà cả tôi mà cô ấy đều khao khát”.

Cánh cửa vi phẫu thuật đã mở ra cơ hội cho con người và cho cả một ngành nam khoa Việt Nam đang mò mẫm tìm ra con đường phát triển. Ở đó, hơn một thập kỷ sau, BS Như có thể tự hào về thế đứng của mình, ngay cả với các nước trong khu vực.

Ba phương pháp điều trị vô sinh nam

Hiện nay, điều trị vô sinh nam có ba phương pháp: nội khoa (dùng thuốc hay các biện pháp đơn giản không dùng thuốc), phẫu thuật và hỗ trợ sinh sản hay còn gọi là thụ tinh nhân tạo (bơm tinh trùng vào buồng tử cung và thụ tinh trong ống nghiệm). Theo nguyên tắc điều trị thì nội khoa nên là chọn lựa đầu tiên. Sau đó, phẫu thuật điều trị bệnh là chọn lựa thứ hai. Thụ tinh nhân tạo chỉ nên là chọn lựa sau cùng nếu nội khoa và phẫu thuật không thể thực hiện được hoặc thực hiện được nhưng thất bại.

- Phẫu thuật: dành cho các bệnh nhân có bệnh lý. Đối với giãn tĩnh mạch tinh, vi phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh giãn hai bên ngả bẹn - bìu giúp tỉ lệ tinh trùng cải thiện trong 60-70% trường hợp và tỉ lệ có thai là 40% trong một năm. Đối với tắc ống dẫn tinh do triệt sản, vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh có kết quả thành công đến 70-90% trường hợp và tỉ lệ có thai tự nhiên là 30-55% trường hợp.

Đối với tắc mào tinh, vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh - mào tinh kiểu lồng hai mũi có kết quả thành công thấp hơn, đạt khoảng 80% trường hợp, với tỉ lệ có thai tự nhiên sau mổ vào khoảng 40-50% trường hợp. Riêng trường hợp tinh hoàn ẩn thành công rất thấp (10-15%), nếu điều trị quá trễ thì không còn hi vọng. Phẫu thuật nội soi cắt ống phóng tinh để điều trị vô sinh do tắc ống phóng tinh có tỉ lệ thành công khoảng 60% trường hợp với tỉ lệ có thai tự nhiên là 30-40% trường hợp.

Thời gian cải thiện tinh trùng, có thai tự nhiên tùy thuộc từng trường hợp. Ví dụ, giãn tĩnh mạch tinh từ sáu tháng đến một năm; tắc ống dẫn tinh cần 3-6 tháng. Không ít trường hợp sau mổ 1-2 năm người vợ mới có thai tự nhiên.

Chi phí phẫu thuật hiện nay khoảng 5-10 triệu đồng. Thời gian mổ trung bình 60 phút. Bệnh nhân nằm viện một đêm, hôm sau về. Bảy ngày sau được cắt chỉ. Bệnh nhân sinh hoạt trở lại bình thường sau mổ 3-7 ngày.

__________

Nam khoa đầy mới mẻ và cũng đầy bí ẩn, vì thế có những câu chuyện có thể trở thành “bóng ma hù dọa” đối với rất nhiều bệnh nhân và thầy thuốc.

Kỳ tới: Những “bóng ma” không có thật

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20111204/kham-pha-ban-linh-dan-ong---ky-3-nhung-bong-ma-khong-co-that/467800.html

Khám phá bản lĩnh đàn ông - Kỳ 3: Những "bóng ma" không có thật

04/12/2011 09:00 GMT+7

TT - “Ngày đó tôi quyết định theo giáo sư Ngô Gia Hy vì kính trọng tinh thần khoa học trong sáng của ông. Chưa bao giờ tôi nghe thầy dùng bất cứ một ngôn từ mang tính áp đặt đối với ý kiến khác, cho dù đó là học trò mình. Ý kiến nào trái ngược hoặc mới, ông sẽ tìm hiểu để trao đổi lại” - bác sĩ Như hay tâm sự như vậy về người thầy của mình.

Tinh thần khoa học ấy ảnh hưởng lớn đến quan điểm y học của ông: cái gì chưa có chứng cứ thì phải xem xét tận ngọn ngành!

Kỳ 1Khát khao sống thật Kỳ 2: Cánh cửa vi phẫu

Bác sĩ cũng sẽ khóc thét lên!

Ông kể về chứng dương vật vùi, một hiện tượng đang được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây mà ông thì lại rất nghi ngờ. Y văn thế giới trong 20-30 năm nay có khoảng 60 báo cáo đề cập đến chuyện này. Một con số không nhiều. Chuyện dương vật vùi bẩm sinh chỉ có trong sách nhi chứ không xuất hiện trong các tài liệu nam khoa của người trưởng thành.

“Tôi ngạc nhiên về điều đó. Nếu trẻ con bị vùi thì lớn lên chúng đi đâu mà trong y văn cho người lớn không thấy?”. Rồi ông đọc được luận văn của một thạc sĩ trong nước nói về chứng này có dẫn hai tài liệu nước ngoài nói rằng người ta đã nghiên cứu trên cả trẻ em và người lớn. Ông lật đật tìm tài liệu gốc về đọc và không thấy có nội dung đó, tức là tác giả đã “đọc nhầm”. Chuyện dương vật vùi giống như một “hội chứng” khi mọi người hô lên và các bậc cha mẹ thì hốt hoảng.

Ông kể: “Tôi khám cho nhiều trẻ, có những đứa trẻ 3 tuổi dương vật giống như bị vùi, nhưng khi gia đình đưa hình chụp lúc sơ sinh, rõ ràng bộ phận sinh dục của bé rất bình thường. Té ra bé bị béo và lớp da xung quanh đã che bớt lại dương vật. Cộng với những hù dọa, người ta bối rối và muốn con mình được mổ. Nhiều người mổ, nhiều nơi ra quyết định mổ... mà không biết rằng tôi từng phải tìm cách khắc phục những hậu quả sau phẫu thuật với những vết sẹo rất xấu, những biến chứng tồi tệ. Tôi mất bốn năm năm để chiêm nghiệm vấn đề này và thấy mọi thứ không đến mức phải “đe dọa” như cách mà người ta nói và mổ”.

Đa số các bậc cha mẹ dẫn con tới đều lo sợ đứa trẻ sẽ mặc cảm, ảnh hưởng đến tâm sinh lý nhưng khi bác sĩ Như quay sang hỏi: “Con có thấy mình bất thường gì so với bạn bè không?”, phần lớn trẻ sẽ lắc đầu bảo con thấy bình thường. Té ra mối lo là do người lớn bị một “bóng ma” hù dọa quá đáng!

Chúng tôi phân trần với ông về nỗi bận tâm của hầu hết các bậc cha mẹ thời hiện tại khi những đứa trẻ luôn được khuyến cáo phải cắt bao quy đầu từ trong trường mẫu giáo. Bác sĩ Như bức xúc cho rằng có vài sự nhầm lẫn trong y tế học đường. Ông viết hóm hỉnh: “Gần như 100% bệnh nhi đưa tới tôi khám vì lý do “hẹp bao quy đầu”, nhưng thật ra chỉ là bao quy đầu dài hay dính bao quy đầu sinh lý mà thôi, không cần thiết phải mổ và tuyệt đối không phải nong. Tôi luôn tự hỏi nếu vị thầy thuốc nam (bác sĩ hay điều dưỡng) mà cũng được người khác nong bao quy đầu thì sao nhỉ? Có lẽ vị thầy thuốc đó sẵn sàng khai tuốt luốt mọi bí mật hơn là bị nong. Vậy mà những đứa trẻ 1-4 tuổi lại bị nong, mẹ đè hai tay, cha giữ chặt hai chân của bé và thầy thuốc nong bao quy đầu, mặc trẻ khóc thét!”.

Coi chừng “lạc đường”

Có một chuyện khá tức cười vào năm 2000, bác sĩ Như khám và ghi toa có thuốc Viagra. Thời ấy Viagra còn bị xếp vào loại thuốc kích dục. Ông nhớ rất rõ những mẩu tin trên báo chí về việc cơ quan chức năng phát hiện quả tang nhà thuốc A, B nào đó có bán thuốc kích dục Viagra. Một nhà báo hỏi ông: “Vì sao bác sĩ Như cho thuốc kích dục?”. Ông thẳng thừng: “Đây là một tiến bộ khoa học và tôi có bằng chứng nó là thuốc điều trị. Tôi cho và chịu trách nhiệm về quyết định của mình!”. Đó là một câu chuyện tức cười của thuở ban đầu, còn bây giờ những tiến bộ y học đã làm cho mọi thứ bình thường hơn. Có điều trong sự phát triển đó thì những định kiến hoặc cách giáo dục vẫn chưa hỗ trợ thế hệ tương lai một sự chuẩn bị cần thiết.

Chẳng hạn, người ta quá chú trọng đến việc làm sao người trẻ không phải “dính bầu” mà quên mất chuyện phải “an toàn” trước đã. Người ta chú ý đến bộ phận sinh dục trẻ với “chú bé” của trẻ to hay nhỏ, bị “vùi” hay nằm bên ngoài... mà lại quên chú ý đến tinh hoàn với chức năng sinh sản và duy trì giống nòi cực kỳ quan trọng. Ít bậc cha mẹ nào chú ý kiểm tra xem tinh hoàn của con mình có đủ hai hòn hay không, kích thước lớn nhỏ thế nào, có nằm dưới bìu hay không, có bướu u gì đó không... Chính những thứ đó nhiều khi còn nguy hiểm hơn những “bóng ma” mà mẹ cha hay lo lắng nữa.

Dạo này người ta hay nói đến việc con nít dậy thì sớm hơn trước. Ông không đồng ý: “Tôi trở ngược thời gian, ông bà mình ngày xưa 12-13 tuổi là cưới gả nhau và thành vợ chồng. Tuổi dậy thì thời đó đã sớm hay trễ? Cái mới có chăng là lũ trẻ đang tiếp cận với đa dạng thông tin và những tiến bộ của con người. Chúng biết nhiều hơn, sớm hơn... là điều đương nhiên. Còn nói trẻ con hôm nay dậy thì sớm phải có những số liệu khoa học. Tôi sẽ chỉ tin vào những số liệu nghiêm túc và cụ thể!”.

Khám phá bản lĩnh đàn ông - Kỳ 3: Những "bóng ma" không có thật Phóng to

TS.BS Nguyễn Thành Như - Ảnh: M.Vinh

“Dương vật vùi bẩm sinh là một “bệnh” chỉ mới được đề cập nhiều thời gian gần đây, trở thành “bệnh” thời thượng. “Bệnh” này trước đây chẳng hề được nhắc đến trong sách vở và ngay cả bây giờ các sách vở tiết niệu - nam khoa cũng vẫn không ghi nhận “bệnh” này ở người lớn. Một đứa trẻ bị sứt môi nếu không được phẫu thuật thì khi lớn lên môi bé vẫn sứt. Vậy tại sao “bệnh” dương vật vùi được coi là dị tật bẩm sinh ở trẻ em, thế nhưng đến khi trẻ lớn lên thì “bệnh” lại tự biến mất dù chẳng có sự can thiệp nào của phẫu thuật?

Trước thực trạng ngày càng có nhiều trẻ em “được” (hay là “bị”?) mổ vì “bệnh” dương vật vùi, Frank - một bác sĩ tiết niệu Mỹ, năm 2000 đã phải thốt lên: “Vì sao các bác sĩ tiết niệu chúng ta chẳng nhìn thấy tình trạng dương vật vùi ở các bệnh nhân lớn tuổi?”. Frank không tin là có “bệnh” này, tôi cũng không tin. Trước đó, năm 1987, Shapiro - một nhà tiết niệu người Mỹ khác - cũng lên tiếng: “Tiếc thay, chưa từng có nghiên cứu nào về “bệnh” dương vật vùi”.

Theo vị bác sĩ này, muốn chứng minh là có “bệnh” dương vật vùi hay không thì phải theo dõi quá trình phát triển của những đứa trẻ đã được chẩn đoán là bị dương vật vùi (ví dụ từ khi bé 4-5 tuổi) cho tới khi trưởng thành (với điều kiện trẻ không được phẫu thuật), để xem sau một thời gian kéo dài cả thập kỷ “bệnh” có còn tồn tại không.

Kết quả là cho đến nay, vẫn chưa hề có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định là có “bệnh” dương vật vùi bẩm sinh ở người lớn cả. Nói cách khác, dương vật vùi chỉ là một tình trạng sinh lý bình thường ở dương vật của một số trẻ và tới giai đoạn phát triển thì tình trạng này sẽ tự hết”.

_____________

Đó là những câu chuyện nghề, còn một câu chuyện khác về “người”: làm thế nào một cậu bé nghèo khổ, có lúc từng “mất cả định hướng” trở thành một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nam khoa?

Kỳ tới: Con đường nam khoa

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20111205/kham-pha-ban-linh-dan-ong---ky-cuoi-canh-cua-nam-khoa/467925.html

Khám phá bản lĩnh đàn ông - Kỳ cuối: Cánh cửa nam khoa

05/12/2011 06:17 GMT+7

TT - Những ngày này bác sĩ Như đang trở về VN hoàn tất những khâu cuối cùng cho bộ sách Nam khoa cho mọi người ra mắt bạn đọc. Bên cạnh trang web namkhoa.com, cung cấp kiến thức nam khoa, đây là một công trình với tâm huyết 23 năm trong nghề của ông.

Kỳ 1: Khát khao sống thật Kỳ 2: Cánh cửa vi phẫu Kỳ 3: Những “bóng ma” không có thật

Khám phá bản lĩnh đàn ông - Kỳ cuối: Cánh cửa nam khoa Phóng to

TS.BS Nguyễn Thành Như (hàng đầu, bên trái) cùng các bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Mulhouse (Pháp) năm 1994 - Ảnh nhân vật cung cấp

Bộ sách là một “bách khoa” những hiểu biết cần thiết nhất mà “thế giới đàn ông” vẫn còn đang thiếu.

Chúng tôi luôn sẵn sàng

"...Tôi nghiệm ra rằng tại các trường đại học lớn ở các nước phát triển đều có quỹ học bổng cho du học sinh đến từ xứ nghèo. Hãy gõ cửa xin họ. Học mà, có gì đâu mà quê!"

Điềm tĩnh, chân thành và đôi khi mộc mạc, bác sĩ Như ít kể về cuộc đời mình. Ông nói chuyện nam khoa, những cái mới, những tranh luận y học, những hướng đường phát triển... mà quên thời gian. Trong câu chuyện, ông dành nhiều day dứt với những ca xin chuyển đổi giới tính mà ông luôn theo dõi số phận họ. Từng có những ca phẫu thuật tạo hình dương vật đã lên bàn mổ thì ông phải ngưng vì hồ sơ pháp lý không đảm bảo.

Người muốn chuyển giới sẽ bằng mọi cách, kể cả làm xét nghiệm giả, để được phẫu thuật. Họ không biết rằng nếu sơ suất, bác sĩ sẽ phạm luật vì VN chưa cho phép chuyển giới. Đọc hàng chục email trao đi đổi lại với cô gái tên X., người thiết tha muốn nhờ ông phẫu thuật chuyển giới, mới thấy sự tận lòng của ông.

“Về chuyện gia đình cháu và dư luận xã hội, theo bác, cháu đừng trách họ vì ngay cả những người trong nghề y, thậm chí có người là giáo sư nam khoa cũng còn không ủng hộ, vẫn xem chuyển giới tính là một thứ bệnh hoạn thì trách chi những người bình thường. Thuyết phục được gia đình còn khó khăn hơn là tìm được bác sĩ phẫu thuật. Năm 1999, khi còn tu nghiệp ở Hà Lan, bác sĩ từng gặp những người chấp nhận được chuyển giới tính dù phải hi sinh mất bạn bè, mất gia đình, người thân.

... Điều cháu nên làm bây giờ là phải kiên nhẫn, học thật giỏi, đọc thật nhiều tài liệu khoa học về chuyển giới (tham khảo ở những website mà bác sĩ đã gửi), tham vấn các chuyên gia (cháu nên viết thư cho giáo sư Gooren). Cũng phải nói thêm rằng trong số những người chuyển giới tính từ nữ - thành - nam ở VN cũng như ở Hà Lan mà bác sĩ từng gặp, vẫn có nhiều người sống rất thanh thản, yêu đời!

... Bác sĩ viết lòng vòng như thế để cháu hiểu rằng trước đây, bây giờ và sau này, trên thế giới và ở VN luôn luôn có những bác sĩ quan tâm đến vấn đề của cháu, luôn sẵn sàng giúp cháu. Vững tin cháu nhé!”.

Gõ cửa tương lai...

Về chuyện học hành, bác sĩ Như nói giản đơn: “Xưa tôi mê làm kỹ sư cơ khí. Chuẩn bị thi khối A, ba mẹ tôi đưa ra một lời đề nghị: Con ráng thi ngành y nghen!”. Vậy là ông trở thành bác sĩ. Rồi bước ngoặt quan trọng nhất khi ông được giáo sư Ngô Gia Hy nhận vào học nội trú ở khoa tiết niệu Bệnh viện Bình Dân. Rồi đi du học, với ông đó là những bước nhảy cuộc đời được chuẩn bị kỹ càng và đầy ngẫu hứng.

Học xong nội trú niệu khoa, một ngày tình cờ sang Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế, thấy mọi người đang tập trung thi tuyển cho suất học bổng sang học nội trú tại Pháp (FFI).

Hôm đó mọi người thi phỏng vấn, phần lý thuyết đã thi vào ngày hôm trước. Ông nhớ cảm giác mình lúc đó: “Bị giấc mơ có dịp ra xứ người học tập thôi thúc, không biết làm thế nào hơn, tôi chen đại vào gặp hai vị giáo sư Pháp, trình bày mong ước và xin được dự thi. Chẳng ngờ hai ông đồng ý cho tôi thi sau chót. Thế là tôi viết một mạch cái CV (sơ yếu lý lịch) đem nộp cho hai ông và thi vấn đáp, miễn thi viết và... đậu!”.

Sang Pháp học niệu khoa sắp xong, ông thèm học nam khoa và ghép thận mà chưa biết sao xin học bổng. Một cô bạn người Đức bày cho ông cách soạn chừng 100 lá thư bày tỏ nguyện vọng học nam khoa và ghép thận rồi gửi đến các trường y khắp nước Pháp xin học. Nhưng biết gửi cho ai?

Bác sĩ Như mở bản đồ nước Pháp ra, chọn tất cả bệnh viện các thành phố lớn rồi gửi cho các bác sĩ trưởng khoa niệu. Một tháng sau, ông nhận được 80 thư trả lời. Giữa một rừng lời từ chối lịch sự “lấy làm tiếc” thì có ba bệnh viện trả lời “OK”. Cơ hội vàng đã mở!

Từ Pháp, cũng bằng cách đó ông gửi thư sang Thụy Sĩ. Lại có một trường đồng ý. Rồi sang Anh, ông cũng theo cách cũ. Riêng lần du học sang Hà Lan thì là một con đường khác. Tháng 12-1998, giáo sư Gooren, một giáo sư nổi tiếng của Hà Lan về vấn đề chuyển giới, sang ĐH Y dược nói chuyện.

Khi cuộc nói chuyện kết thúc, bác sĩ Như đứng chặn ngoài cửa tự giới thiệu về mình và trao đổi tiếp về vấn đề chuyển giới. Vị giáo sư Hà Lan đồng ý tiếp ông tại khách sạn ngày hôm sau. Ngày sau đó ông đã vượt qua một số “phép thử” của vị giáo sư nổi tiếng để giành được chuyến đi Hà Lan học về chuyển giới...

Khát khao được học hành luôn thường trực trong bác sĩ Như có lẽ vì ông từng đi qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Ấy là những ngày cha vắng nhà, mẹ một mình cáng đáng hết cả đàn con. Bà phải bươn chải lên tàu ra Phan Thiết lấy nước mắm về và ông cùng anh mang đi bỏ mối trong khu phố. Nhà luôn ăn độn. Nhiều người khuyên mẹ ông cho lũ nhỏ nghỉ học để phụ gia đình, bà lắc đầu. Cuộc sống khó,

nhiều lúc chính ông cũng hoang mang về định hướng đời mình. Nhưng rồi cánh cửa sự học đã mở đường ông đi.

Sau hơn hai thập kỷ gắn bó với Bệnh viện Bình Dân, tháng 3-2011 bác sĩ Như phải có một sự chọn lựa quan trọng: rời khỏi nơi mà ông gắn bó và trưởng thành, lại bắt đầu một hành trình học hành mới ở nước ngoài.

Hỏi có bao giờ, khi gặp khó khăn ông thấy mệt mỏi hoặc cô đơn bác sĩ Như bật cười: “Lúc khó khăn nhất là lúc hăng hái nhất, giống như ở chân núi muốn leo lên tận đỉnh để hướng tới bầu trời mở rộng. Nhưng đến khi công việc hoàn thành, giống như đã ở đỉnh núi rồi người ta sẽ thấy mình hơi đơn độc!”. Có lẽ đó là một câu hiếm hoi chạm được vào cảm xúc của ông.

Và có lẽ đó cũng là lý do vì sao ông luôn tiếp tục những hành trình mới của mình. Cánh cửa sẽ tiếp tục mở...

“... Thấy Như đau đáu chăm lo các báo cáo khoa học tại một hội nghị quốc tế chuyên ngành, hay cực khổ cày bừa cho các bài viết trên các chuyên san chuyên ngành niệu, nam khoa quốc tế khi được đặt bài, tôi hỏi thì Như kể rằng từ khi đi học ở nước ngoài tới khi về làm ở bệnh viện, càng thấy rõ VN mình còn ít có tiếng nói tại các hội thảo khoa học để công bố, thậm chí tranh luận về chuyên môn với các đồng nghiệp quốc tế trong khi trình độ thật sự, đặc biệt về kinh nghiệm thực tiễn của VN không tệ.

Xứ mình khá quan tâm tới thành tích đứng nhất thế giới hay châu Á về nhiều thứ, nhưng cái đáng tranh đua nhất chính là vị trí, tiếng nói VN trên các diễn đàn y khoa, khoa học quốc tế hay các bài viết công bố thành quả các công trình nghiên cứu khoa học trên các chuyên san quốc tế.

Có lẽ suy nghĩ phải làm sao nâng cao vị trí khoa học của VN trên diễn đàn quốc tế đã thúc đẩy Như luôn chịu khó học, đọc, cập nhật thông tin, kiến thức chuyên môn trên con đường nghiên cứu khá yên ắng chẳng mấy người đi...?”.

TIẾN HÙNG - MAI VINH
 

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả