• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Tin trong nước
  • Thứ ba - 25/11/2014 - (2,321 lượt xem)

Khóc, cười chuyện… rối loạn cương

Khóc, cười chuyện… rối loạn cương

Kỳ 1: Đâu phải chuyện “đua đòi”!

Seamus Justin Heaney, nhà thơ - nhà văn người Ailen, đoạt giải Nobel văn chương năm 1995, từng viết: “Ở người đàn ông, nếu ái tình suôn sẻ thì chuyện này chỉ chiếm 3% thời gian sống; ngược lại, nếu trục trặc, 97% thời gian sống của họ dành để lo lắng cho nó!”

Thực phẩm theo quan niệm đông y, có khả năng giúp cường dương. Nhưng khái niệm cường dương của đông y lại không giống như việc giải quyết cụ thể tình trạng dương cương của tây y. Ảnh : PV

Không nghiên cứu y khoa, sống với thế giới nghệ thuật bay bổng, vậy mà Heaney nói chuyện “trần tục” quá chính xác, bởi thế mới có nam khoa, ngành y học thời thượng hiện nay, chuyên chữa những trục trặc về đời sống tình dục nam giới, đặc biệt là rối loạn cương (RLC).

Hiện nay, đề cập RLC trên báo chí là chuyện bình thường, nhưng mới cách đây vài ba năm đó còn là chuyện nhạy cảm, gây sốc nhiều người. Còn nhớ, cuối năm 2004, khi nhãn hiệu trị RLC Levitra (Vardenafil) của Bayer Healthcare chuẩn bị tung vào thị trường Việt Nam, một số phóng viên y tế được mời đến nghe các chuyên gia nam khoa phổ biến kiến thức về chủ đề này. Ngồi cạnh vài phóng viên nữ, người đã lập gia đình, người còn độc thân, người viết bài thấy tất cả đều đỏ mặt khi nghe đến những thuật ngữ như “cương dương”, “thể hang”, “thể xốp”…

Thật tình mà nói, khi đó thông tin về RLC trên báo chí thật khó khăn. Ngay cả thuật ngữ RLC cũng được mang ra bàn để làm sao cho người đọc không thấy phản cảm. Tiếng Anh gọi “erectile dysfonction”, tiếng Pháp là “dysfonction érectile” thì cũng vậy, dịch “rối loạn cương dương” thật chính xác, nhưng có người đề nghị bỏ chữ “dương” đi vì sợ nghĩ đến “liệt dương” nghe kinh khủng quá. Người viết còn nhớ sau một vài thông tin về RLC, có độc giả nữ đã gọi vào toà soạn lớn tiếng phản đối: “Bộ hết chuyện hay sao mà cứ mang chuyện “rửng mỡ” đó ra mà nói”!

“Rửng mỡ” hay không thì phải bàn, nhưng theo nghiên cứu MALES (Men’s Attitudes to Life Events and Sexuality: thái độ của nam giới đối với những sự kiện trong cuộc sống và tình dục) trên 11.000 người châu Á thì tại Trung Quốc khi người chồng bị RLC, trong 67% trường hợp chính người vợ lại kêu chồng đi chữa bệnh!

Nếu không biết nghiên cứu này, nữ giới phải thừa nhận rằng thật bất công làm sao khi cũng là bộ phận trên cơ thể người mà tại sao bệnh về tim, gan, phèo, phổi… được quan tâm đến thế còn RLC lại bị lãng quên? Tại sao bộ phận tương tự ở nữ giới có vấn đề lại được nói công khai, còn ở nam giới thì ai cũng bàng quan như không nghe, không biết? Bởi thế mới tội nghiệp cho Minh, anh bạn của tôi. Cuối năm 1999, khi đó cả nước chưa có nơi nào chữa nam khoa, từ Hà Nội anh lặn lội vào huyện Hóc Môn, TP.HCM tìm một ông thầy lang có phương thức bí truyền chữa “yếu sinh lý”. Tốn 2 triệu đồng (thời đó nhiều lắm), anh mua 20 thang thuốc được cho là “thu hái” tận Trung Quốc về nấu uống. Thuốc “tốt” thật, uống được 5 thang thì “chỗ đó” của anh cương liên tục hơn 12 giờ không ngưng nghỉ. May mà nhà trên phố Tràng Thi, gần Bệnh viện Việt - Đức, anh vào cấp cứu kịp thời, nếu không là “hỏng chuyện”. Gặp anh năm qua, đã có đứa con trai 5 tuổi, anh cười cho biết lúc đó nói đến RLC thì xấu hổ quá, nên không dám làm lớn chuyện. May là chỉ mất tiền!

Cơ chế cương dương

Thật ra RLC đã được đề cập rất lâu trong Đông y dưới thuật ngữ “dương nuy” hoặc “liệt dương”. Trong cuốn Nam dược thần hiệu, danh y Tuệ Tĩnh của thế kỷ 14 cho biết nguyên lý điều trị bệnh này là “bổ dưỡng tâm thận, điều hoà tỳ vị”. Thế kỷ 18, trong Y trung quan kiện, Hải Thượng Lãn Ông cũng cho rằng: “Vị mạnh thì thận khoẻ, tinh khí dồi dào, vị hư thì tinh bị tổn thương, dương sự suy kém”. Tây y lại khác, cụ thể hơn, chỉ ra nhiều nguyên nhân gây RLC, từ rối loạn mạch máu, bất thường giải phẫu, bệnh tật cho đến tuổi tác, tâm lý.

Nhưng dù quan niệm thế nào thì khi bị RLC, tần số XXX của người nam cũng giảm hẳn. “Tần số” của mỗi người không ai giống ai, nhưng bên Đông y có cách tính khá ngộ gọi là luật số 9. Rất đơn giản, lấy số đầu của tuổi nhân với 9, số đạt được gồm 2 con số thì số đầu là số tuần, số sau là số lần XXX trong tuần lễ tương ứng. Cụ thể: 2 (20 tuổi) x 9 = 18, 1 tuần 8 lần; 3 (30 tuổi) x 9 = 27, 2 tuần 7 lần; 4 (40 tuổi) x 9 = 36, 3 tuần 6 lần; 5 (50 tuổi) x 9 = 45, 4 tuần 5 lần; 6 (60 tuổi) x 9 = 54, 5 tuần 4 lần… Cách đây 2 năm, có dịp sang Pháp, khi tán gẫu với bạn bè về chuyện này, Henry Nguyễn, 40 tuổi, một kỹ sư tin học bên đó nói với tôi: “Ở đây cũng có luật MMS chứ bộ, đàn ông ai cũng MMS hết”. “MMS là gì?”, gặng hỏi nhiều lần, anh mới tủm tỉm trả lời tôi: “Khi trai trẻ, MMS là matin (sáng), midi (trưa), soir (tối), một ngày có thể 3 lần. Trung niên, MMS là mardi (thứ ba), mercredi (thứ tư), samedi (thứ bảy), một tuần 3 lần. Già yếu, MMS là mars (tháng 3), mai (tháng 5), septembre (tháng 9), một năm chỉ còn… 3 lần!”. Dĩ nhiên, những con số trên chỉ mang tính tượng trưng, nhưng nói nôm na là ít quá coi chừng… có vấn đề!

Cái gì nói nhiều quá thì “bất thường” cũng thành “bình thường”. Điều đó có thể đúng với… RLC. Thật vậy, nhờ giới chuyên môn, đặc biệt là các phương tiện truyền thông lên tiếng mà tại Việt Nam hiện nay căn bệnh này được xã hội nhìn nhận đúng hơn, chứ không còn là chuyện “đua đòi” như trước đây có người từng nghĩ. Ở TP.HCM, đơn vị nam khoa của Bệnh viện Bình Dân thành lập vào tháng 2.2005, từ 4 - 5 ca khám/ngày, nay tăng lên 70 - 80 ca/ngày, một nửa là những trục trặc trong hoạt động tình dục, đặc biệt là RLC. Mỗi chiều, ghé đến khu phòng khám, thấy bệnh nhân ngồi xếp lớp trước phòng khám nam khoa, chẳng ai ngượng ngùng, quá tiến bộ! Đáng nói là đâu chỉ có trung niên, mà lão niên cũng “quan tâm” đến RLC không kém. ThS.BS Nguyễn Thành Như, trưởng đơn vị nam khoa, cho biết lứa tuổi 60 - 70 đến khám RLC không ít và kỷ lục bệnh nhân cao tuổi nhất đến nay vẫn thuộc về một cụ ông 82 tuổi có người vợ… 72 tuổi! Vậy là nếu sống lại, Gustave Flaubert, văn hào nổi tiếng người Pháp với tác phẩm Bà Bovary, dám bỏ nghề viết văn khi đưa ra một nhận xét thiếu chính xác trong thời đại ngày nay: “Ở một tuổi nào đó, hai cánh tay của chiếc ghế bành thu hút bạn mạnh hơn cả đôi vòng tay của người phụ nữ”.

Phan Sơn

Những con số

- 50%: Tỷ lệ người nam trên 40 tuổi trên thế giới bị RLC với nhiều mức độ khác nhau.

- 152 triệu: Số người đàn ông trên thế giới hiện nay bị RLC, con số này sẽ tăng gấp đôi, đến 322 triệu người vào năm 2025.

- 85%: Tỷ lệ người bị RLC không được điều trị ở thời điểm hiện nay.

- 72%: Tỷ lệ ham muốn của phụ nữ trước khi chồng bị RLC, con số này chỉ còn 46% sau khi chồng có bệnh.

- 83%: Tỷ lệ người trưởng thành ở châu Á thừa nhận tình dục đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Ở châu Âu, tỷ lệ này là 94%.

(Nguồn: Bayer Healthcare)

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả