• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Tin trong nước
  • Chủ nhật - 07/09/2014 - (1,987 lượt xem)

Thời sự suy nghĩ: Không an lòng

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/250504/Thoi-su-suy-nghi-Khong-an-long.html

Thứ Tư, 02/04/2008, 07:55 (GMT+7)

Thời sự suy nghĩ: Không an lòng

TT - Bác sĩ Nguyễn Thành Như - trưởng khoa nam học Bệnh viện Bình dân, TP.HCM - cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nam mới 21 tuổi, ở Bình Thuận, bị liệt dương vĩnh viễn chỉ vì đến... thầy lang chữa bệnh.

Thông tin này khiến không ít người cảm thấy không an lòng. Không an lòng vì những kiểu chữa bệnh kỳ quái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và thể xác bệnh nhân như vậy nhưng vẫn không được ngăn chặn.

Không an lòng vì những chuyện này xảy ra kéo dài nhiều năm, ở nhiều địa phương, ngay bên cạnh các cơ quan chính quyền, cơ quan y tế nhưng họ vẫn không biết, không hay.

Đâu phải chỉ có "ông thầy" ở Bình Thuận này chữa bệnh kiểu như vậy. Trước đó còn có "cô” Huỳnh Chi ở Đồng Nai dùng xảo thuật gỡ bùa chữa bệnh; "thầy" Hai Ngà ở Tây Ninh - một lương y cấp xã - nhưng nhận chữa các bệnh ung thư, nhiễm HIV; hay "khu vườn kỳ lạ” của "cô” Hồng ở Long An trước đây chẳng cần làm gì, nhưng vẫn có hàng ngàn bệnh nhân khắp nơi kéo về ăn chực nằm chờ với niềm tin là mình sẽ khỏi bệnh. Ngay tại TP.HCM - nơi được coi là văn minh, hiện đại nhất nước - còn có "thầy" Võ công khai "chữa bệnh" bằng đấm, đá bệnh nhân. Và có không ít bệnh nhân ung thư vú đã chết nhanh hơn vì đến thầy lang đắp lá... Làm sao an lòng khi mà cùng một ngày (31-3), không chỉ có Tuổi Trẻ mà còn có hai tờ báo khác tại TP.HCM đã có những bài viết phản ánh các kiểu chữa bệnh quái lạ bằng việc sờ mó, nằm giường, đá núi lửa...

Chúng tôi tự hỏi vì sao người bệnh vẫn cứ tìm đến các ông thầy bùa, thầy lang để chữa bệnh? Vì sao người bệnh không đến bệnh viện? Vì sao họ tin tưởng thầy lang hơn bác sĩ? Vì sao chính quyền địa phương, cơ quan quản lý y tế không phát hiện và ngăn chặn những kiểu chữa bệnh phản khoa học này? Đến bao giờ những trường hợp đau lòng mới thôi xảy ra với người bệnh?

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói bởi vì người bệnh tiếp cận với bác sĩ không phải dễ. Còn bác sĩ không có nhiều thời giờ để có thể trao đổi, lắng nghe những lo âu, thắc mắc của bệnh nhân. Thường bác sĩ chỉ chẩn đoán và cho thuốc, rồi thôi. Trong khi người bệnh luôn có nhiều điều muốn được bác sĩ lắng nghe, chia sẻ. Thầy lang không có chuyên môn nhưng lại rành tâm lý, chịu nghe bệnh nhân nói. Nhiều khi ông nói khoác, nói không đúng khoa học, dùng nhiều mánh khóe để làm bệnh nhân tin, nhưng người bệnh vẫn đến vì thầy đánh đúng tâm lý và tình cảm của họ.

Người bệnh có cái đau và cái khổ. Họ không chỉ có bệnh mà còn gặp hoạn nạn. Nếu bác sĩ chỉ chữa bệnh mà không chữa hoạn nạn, làm sao bệnh nhân an lòng?

LÊ THANH HÀ

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả