• TS BS Nguyễn Thành Như
  • Tin trong nước
  • Thứ hai - 24/11/2014 - (2,093 lượt xem)

“Xổ" bệnh mùa hè

http://sgtt.vn/Khoe-va-Vui/92430/%E2%80%9CXo-benh-mua-he.html
Ngày 06.06.2007, 14:08 (GMT+7)

“Xổ" bệnh mùa hè

Do trong năm trẻ bận học, nên có một số bệnh không mang tính nguy hiểm được các bậc phụ huynh dồn lại để đến hè mới đưa trẻ đi khám và điều trị

Vấn đề là liệu với kiến thức của mình, các phụ huynh có thể biết được bệnh nào có thể để lại, bệnh nào phải chữa ngay?

Không phải bệnh nào cũng xổ được

Mùa hè, lượng học sinh đến các bệnh viện, phòng khám tăng cao. Ảnh : A.Q

Bác sĩ Cao Minh Thức, trưởng khoa Tai mũi họng BV Nhi đồng 2 TP.HCM, khuyên: Đã là bệnh thì phải đi khám ngay, bác sĩ sẽ là người chỉ định bệnh nào có thể để lại, bệnh nào cần chữa gấp. Đừng vì lý do học tập mà dồn bệnh lại. Cũng theo bác sĩ Thức, những bệnh như cắt amiđan, nạo VA là những bệnh có thể được bác sĩ khám trước đó, và lên lịch mổ trong dịp hè để không làm ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ.

Theo bác sĩ Thức, cắt amiđan được chỉ định trong trường hợp có biến chứng gây tắc nghẽn, khiến trẻ ngủ ngáy, có cơn ngưng thở, quấy khóc khi đang ngủ; amiđan bị viêm nhiễm nhiều lần làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ hoặc đe doạ gây biến chứng viêm cơ tim, viêm thận, viêm khớp… Còn đối với VA, bác sĩ chỉ định nạo khi bộ phận này bị viêm nhiễm tái phát nhiều lần, gây biến chứng viêm tai giữa. Hiện nay, tại TP.HCM có 4 phương pháp cắt amiđan phổ biến là cắt cổ điển (dùng dao, kéo và thòng lọng), dùng dao điện đơn cực hoặc lưỡng cực, dùng dao siêu âm và bằng Coblator. Phương pháp sau cùng được xem là tốt nhất, vì ít gây bỏng và ít gây tổn thương mô lành.

Có những bệnh không cần chữa

Cũng có những bệnh nếu thật sự không cần thiết thì cũng không nên tranh thủ dịp hè để buộc trẻ phải chữa trị. Nhiều trẻ nam được cha mẹ dẫn đi điều trị một số bệnh lý ở bộ phận sinh dục như cắt bao quy đầu, chữa tinh hoàn ẩn, tràn dịch tinh mạc, sa ruột (thoát vị bẹn), lỗ tiểu đóng thấp… ThS-BS Nguyễn Thành Như, trưởng đơn vị nam khoa BV Bình Dân. đây là những ca mổ chương trình, không mang tính cấp cứu, phần lớn được giải quyết nhanh gọn, có thể thực hiện ở bất kỳ nơi nào có bác sĩ ngoại khoa và cơ sở phù hợp. Bác sĩ Như cho biết do quá quan tâm đến sức khoẻ của trẻ và chưa hiểu biết chính xác về bệnh, nên không ít phụ huynh nằng nặc đòi bác sĩ cắt bao quy đầu cho trẻ trong khi trường hợp đó không đáng cắt. Theo bác sĩ Như, hẹp bao quy đầu chỉ nên giải quyết khi trẻ lớn hơn 6 tuổi, quy đầu không tụt xuống được vì phần lớn những trường hợp hẹp bao quy đầu là hẹp sinh lý (dính sinh lý), không cần cắt, lớn lên tự động sẽ hết hẹp. Nếu cắt không đúng chỉ định có thể dẫn đến biến chứng đáng tiếc sau này. Ngoài ra, các bất thường về bộ phận sinh dục nam thường có thời gian điều trị thích hợp chứ không cứ phải là có nhiều thời gian. Chẳng hạn đối với tinh hoàn ẩn, thời điểm mổ tốt nhất từ 1-2 tuổi; đối với lỗ tiểu đóng thấp, thời điểm chữa trị thích hợp là 2-6 tuổi, trước khi trẻ vào tiểu học. Còn đối với tràn dịch tinh mạc, bệnh này để tự nhiên, không chữa trị cũng có thể hết hẳn.

Châu Giang

Cảnh giác những tai nạn thường gặp vào mùa hè

Theo bác sĩ Nguyễn Công Viên, trưởng khoa khám trẻ em lành mạnh BV Nhi Đồng 2 TP.HCM, vào mùa hè trẻ được tự do chơi đùa, ít được sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh và người lớn, nên các tai nạn trẻ em cũng thường tăng cao, như chấn thương sọ não do té ngã, ngộ độc thuốc tẩy rửa hay hoá chất, phỏng, điện giật, ong đốt, chết đuối… Vì thế, để phòng ngừa, bác sĩ Viên khuyên các bậc cha mẹ nên ghé mắt đến trẻ, để xa tầm tay trẻ những tác nhân gây độc (thuốc men, hoá chất), không cho trẻ đến gần khu vực có nước (ao, hồ, sông, suối) hay chơi đùa gần đường (đặc biệt là chơi đá banh).

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả