Chào Bác Như,
Hơn 2 năm trước, cháu hàng tuần ghé bệnh viện Bình Dân gặp Bác, để làm hội chẩn, để làm xét nghiệm và đủ thứ thủ tục khác. Có lẽ Bác cũng không nhớ cháu đâu, vì Bác có hàng ngàn bệnh nhân khác. Cháu là X., một trường hợp bị rối loạn giới tính, có mong muốn làm phẫu thuật để được sống thật với chính mình.
Cháu phải sống từ nhỏ trong lốt một người con gái, để rồi mỗi ngày tự nhìn vào gương, cháu thấy lòng quặn thắt khi không biết mình thuộc giới tính nào, và tại sao cháu phải chịu những nỗi dày vò như thế. Cháu từng tự tử nhưng không thành. Cháu cứ nhớ hoài những lời bông đùa, trêu chọc của những người cháu gặp tại Sài Gòn. Họ là những nhân viên giữ xe, người bán hàng, hay thậm chí là gia đình và bà con hàng xóm. Họ bảo cháu pê đê, đồng tính, bệnh hoạn. Có lẽ không ai có thể hiểu được cảm nhận của cháu mỗi khi nỗi đau của mình bị người khác chà đạp, bỡn cợt như thế. Và cháu đã tìm đến Bác sĩ, với hi vọng thật nhiều. Sau khi làm xét nghiệm karyotype tại nhiều nơi, cháu có đưa mẹ đến gặp Bác sĩ theo lời đề nghị. Sau cuộc gặp đó, cháu không xuất hiện nữa. Gia đình cháu không ủng hộ cháu trong chuyện này, và sau đó cháu đi Mỹ du học. Ở Mỹ, cháu có thể bộc lộ sở thích ăn mặc, đi đứng, nói năng của mình một cách thoải mái. Mọi người ở đây cũng rất cởi mở, thân thiện. Nhưng rồi, khi nhìn lại, cháu vẫn đau đáu với sự trớ trêu về giới tính của mình.
Giờ đây, cháu vẫn nuôi ý định muốn phẫu thuật để tìm lại giới tính đúng cho chính mình. Cháu tìm hiểu những thông tin về phẫu thuật giới tính tại Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan. Nhưng chi phí ở những nước này quá cao, và cháu cũng không có lòng tin ở những cơ cở, chuyên gia y tế đó. Trước đây, cháu tin Bác sĩ là người có thể giúp đỡ cháu, kéo cháu ra khỏi vũng lầy đau khổ này. Nhưng rồi cháu đã phải vùi mình trong sự thất vọng tột cùng. Nhưng cháu không hiểu tại sao, cho đến tận giây phút này, hình ảnh ông Bác sĩ trung niên với giọng nói ấm áp và ánh mắt nồng hậu ấy vẫn còn trong kí ức cháu. Ở một khoảnh khắc nào đó, dường như Bác sĩ muốn nói với cháu rằng "X., Bác rất muốn giúp con, nhưng pháp luật không cho phép".
Bác sĩ ơi, liệu những trường hợp rối loạn giới tính như cháu sẽ phải sống đau khổ suốt đời mà không có một giải pháp nào cải thiện? Cháu không cam tâm. Hiện nay, tại Mỹ, Resident ID của cháu xác định cháu thuộc giới tính nam. Điều này là một bước ngoặt lớn trong đời cháu. Với ID này, cháu có thể đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị một cách hợp pháp không? Bác sĩ có thể cho cháu lời khuyên được không?
Cháu thực sự không dám mong email này của mình sẽ được hồi âm, vì cháu biết Bác rất bận. Nhưng cháu vẫn gửi, vì chưa bao giờ hi vọng của cháu bị dập tắt. Cháu chúc Bác nhiều sức khỏe và thành công. Cháu mong hồi âm của Bác. Hơn tất cả, cảm ơn Bác vì sự quan tâm dành cho cháu cũng như tất cả các bệnh nhân khác.
Trân trọng!
Cháu X.
Chào cháu X…
Bác sĩ mừng là cháu đã liên hệ với GS Gooren. Giáo sư là chuyên gia hàng đầu thế giới về Chuyển Giới Tính, Đồng Tính Luyến Ái...., thông thạo 8 thứ tiếng: Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Séc (Cezch) và tiếng Thái. Ông đến Sài Gòn năm 1998 nhân sự kiện mừng SG 300 năm và có 1 bài nói chuyện tại Đại Học Y Dược TP HCM về đề tài chuyển giới tính (do cố GS Ngô Gia Hy mời). Cũng nhờ tham dự Hội nghị đó mà bác sĩ đã được GS Gooren cho một suất học bổng tới "đại bản doanh" của Ông ở Hà Lan để phần nào hiểu được thế giới của những người chuyển giới tính. GS Gooren là một nhà nội tiết, còn người dạy bác sĩ mổ tạo hình bộ sinh dục là TS Hage. Nếu cháu vào PubMed (http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/) và tìm tên Gooren hay Hage thì cháu sẽ thấy họ có rất nhiều báo cáo khoa học về lĩnh vực chuyển giới tính. TS Hage đã dạy bác sĩ mổ tạo hình ngực và âm đạo cho người chuyển giới tính nam-thành-nữ, và tạo hình dương vật bằng vạt da cẳng tay hay vạt da xương mác cho người chuyển giới tính nữ-thành-nam.
Tuy GS Gooren là người giúp bác sĩ mở mang kiến thức về lãnh vực này nhưng người thầy đầu tiên dạy bác sĩ về chuyển giới tính chính là cố GS Ngô Gia Hy. Thầy Hy cũng là người Thầy đầu tiên của bác sĩ về Tiết niệu - Nam khoa. Khi còn là bác sĩ nội trú, mỗi thứ 5 hàng tuần khi Thầy Hy khám bệnh, bác sĩ ngồi cạnh để học hỏi và ghi chép hồ sơ cho Thầy. Năm 1991, có một cô giáo cấp 2 ở thị trấn Châu Ổ, tỉnh Quảng Ngãi gởi thư cho Thầy Hy nói cô ấy biết mình là con trai từ khi còn bé, chứ không phải con gái và hiện đang yêu một cô gái hàng xóm. Cô giáo ấy mong được Thầy Hy điều trị giúp. Lúc đó, bác sĩ cứ tưởng cô giáo đó có "vấn đề" về tâm thần, nhưng không ngờ, Thầy Hy, sau vài phút suy nghĩ đã đọc cho bác sĩ viết trả lời cô giáo rằng: Thầy rất thông cảm với hoàn cảnh của cô, các thầy thuốc trên thế giới đã điều trị cho những người chuyển giới tính, Thầy sẽ nghiên cứu thêm và hy vọng sẽ giúp được cô giáo ấy. Cháu chú ý, thời điểm năm 1991, ở Việt Nam chưa có khái niệm nhiều về vấn đề chuyển giới tính, vậy mà Thầy Hy đã có suy nghĩ "vượt thời gian" như thế, thật đáng khâm phục.
Tiếp bước Thầy Hy, nhờ học với GS Gooren và TS Hage tại Hà Lan, năm 2004, bác sĩ đã mổ tạo hình dương vật (theo kiểu metaidoioplasty) cho 1 người tưởng là bất thường bộ sinh dục, nhưng 2 năm sau, bác sĩ mới biết người đó là chuyển giới tính nữ-thành-nam. Trường hợp này đã được bác sĩ báo cáo với các đồng nghiệp tại hội nghị Tiết niệu toàn quốc năm 2010.
Bác sĩ viết lòng vòng như thế để cháu hiểu rằng, trước đây, bây giờ và sau này, trên thế giới và ở Việt Nam, luôn luôn có những bác sĩ quan tâm đến vấn đề của cháu, luôn sẵn sàng giúp cháu. Vững tin cháu nhé!
Thân mến !
BS Như
* BS Võ Văn Châu đã mất tháng 6/2013.
Cháu chào Bác,
Cháu đã liên lạc với ông Gooren và được ông tư vấn nhiều vấn đề. Hiện tại ông đang nhờ một số người bạn của ông ở Mỹ giúp đỡ cháu. Cháu chân thành cảm ơn bác đã hết lòng giúp đỡ cháu. Cháu cảm thấy bản thân mình may mắn khi gặp được những bác sĩ như Bác và ông Gooren. Tuy sự giúp đỡ đó còn hạn chế vì nhiều lí do, nhưng lại rất có ý nghĩa về mặt tinh thần đối với cháu. Cháu hi vọng Bác sẽ vui lòng giúp đỡ những người khác có chung hoàn cảnh với cháu, để họ cảm thấy vững tin hơn vào cuộc sống.
Cháu chúc Bác có nhiều sức khỏe và gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống!
Cháu X.
Cháu X. thân mến,
Năm 2008, Chính Phủ có ra Nghị định 88 không cho phép các bác sĩ thực hiện điều trị chuyển giới tính. Do vậy, hiện tại, sẽ không có bác sĩ nào ở Việt Nam lại thực hiện việc này, dù là ở SG hay HN. Nếu trên giấy tờ ghi cháu là nam giới thì cháu được xếp vô nhóm bệnh lý cơ quan sinh dục (lưỡng giới), nên việc điều trị cho cháu sẽ là chỉnh giới chứ không phải chuyển giới. Chỉnh giới thì các bác sĩ ở VN được phép làm.
Về phẫu thuật tạo hình dương vật, hiện nay không ai còn dùng vạt da ở bụng để tạo hình nữa, trừ khi chỉ làm tạm thời (bác sĩ không rõ trường hợp của bé N. đã được mổ như thế nào để có thể nói cụ thể). Kỹ thuật được áp dụng rộng rãi hiện nay là dùng vạt da ở cẳng tay để làm dương vật mới. Phẫu thuật này do các bác sĩ ở Thượng Hải thực hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1984. Còn ở VN, theo như bác sĩ biết thì Quân y viện 108 (Hà Nội) có làm được phẫu thuật này. Ở SG, có 1 bác sĩ ở bệnh viện Quân y 175 cũng làm được (rất tiếc là bác sĩ không biết tên vị bác sĩ này). Hoặc cháu cũng có thể nhờ BS Võ Văn Châu *, nguyên trưởng khoa Vi phẫu tạo hình của bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình, một người có rất nhiều kinh nghiệm về vạt da Thượng Hải (còn gọi là vạt da cẳng tay hay vạt da Trung Quốc), tư vấn và thực hiện giúp.
Về chuyện gia đình cháu và dư luận xã hội, theo bác, cháu đừng trách họ vì ngay cả những người trong nghề y, thậm chí có người là giáo sư Nam khoa cũng còn không ủng hộ, vẫn xem chuyển giới tính là một thứ bệnh hoạn thì trách chi những người bình thường. Thuyết phục được gia đình còn khó khăn hơn là tìm được bác sĩ phẫu thuật. Năm 1999, khi còn tu nghiệp ở Hà Lan, bác sĩ từng gặp những người chấp nhận được chuyển giới tính dù phải hy sinh mất bạn bè, mất gia đình, người thân. Tuy nhiên, sau khi được chuyển giới tính rồi, vài người trong 1000 trường hợp cảm thấy quá cô độc vì bị gia đình xa lánh nên tỏ ra luyến tiếc vì đã chấp nhận phẫu thuật chuyển giới tính.
Điều cháu nên làm bây giờ là phải kiên nhẫn, học thật giỏi, đọc thật nhiều tài liệu khoa học về chuyển giới (tham khảo ở những website mà bác sĩ đã gởi), tham vấn các chuyên gia (cháu nên viết cho GS Gooren).
Cũng phải nói thêm rằng, trong số những người chuyển giới tính từ nữ-thành-nam ở VN cũng như ở Hà Lan mà bác sĩ từng gặp, vẫn có nhiều người sống rất thanh thản, yêu đời mà không cần phẫu thuật tạo bộ sinh dục mới. Họ vẫn đầy chất nam tính trong cách cư xử hàng ngày, cháu ạ.
Chúc cháu vui, khỏe, thành đạt !
TS BS Nguyễn Thành Như
Chào Bác Như,
Cháu rất vui khi nhận được email của Bác. Bác vẫn quan tâm đến từng bệnh nhân như cháu, với sự ân cần của ngày nào. Cháu đã xem những thông tin mà Bác gửi, và thấy mình cần phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn nữa. Cháu sẽ không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi tìm lại được chính mình.
Hiện tại, hai mối lo lớn nhất của cháu là tài chính và gia đình. Về tài chính, cháu có thể tự kiếm tiền và để dành từ từ, nhưng còn về phần gia đình, cháu thực sự bất an. Hiện tại, cháu là niềm hi vọng lớn nhất, là niềm tự hào lớn nhất của gia đình và dòng họ. Gia đình cháu không ngại khổ cực nuôi cháu ăn học từ nhỏ đến lớn, giờ đây lại tiếp tục cho cháu đi du học dù có khó khăn. Anh em trong nhà đều được dạy là phải lấy cháu làm tấm gương về cả nhân cách lẫn học tập.
Từ khi gia đình cháu nhận ra sự bất thường của cháu, họ không dám đối diện với sự thật. Ba mẹ cháu vì thương cháu nên không suy xét nhiều, nhưng cháu nhận ra ở họ một niềm tin rằng một ngày nào đó cháu sẽ trở lại thành một đứa con gái như hồi nhỏ. Cô, dì, chú, bác và những người khác trong dòng họ cũng rất yêu thương cháu. Người thì cho rằng cháu bị ảnh hưởng vởi những kiểu đua đòi mới ở Sài Gòn, người thì bảo cháu là tomboy, và còn giục cháu lấy chồng. Quan trọng là không ai có đủ kiến thức chuyên môn để nhìn nhận ra trường hợp rối loạn giới tính của cháu một cách thấu đáo và khoa học. Đã nhiều lần cháu cố gắng giải thích, nhưng họ không hiểu. Cháu nuôi ý định "tiền trảm hậu tấu", tự xoay sở để làm giải phẫu. Vì cháu không thể sống như thế này mãi, mà cháu cũng không mong gia đình có thể trợ giúp cho cháu. Cháu cảm thấy rối rắm. Cháu thực sự không nỡ làm gia đình cháu đau lòng.
Cháu có đọc được thông tin rằng có một bệnh viện (ở HN) đã phẫu thuật tạo hình thành công dương vật cho một người đàn ông bị dị tật bẩm sinh, bằng cách ghép da từ cẳng tay. Bên cạnh đó, hiện nay có một phương khác, đó là vi phẫu da vùng bụng để tạo hình dương vật. Phương pháp này đã được áp dụng cho bé N. và kết quả khá thành công. Cháu không biết ở Việt Nam, những phương pháp này có mang đến kết quả khả quan hay không. Cháu vẫn mong muốn được về Việt Nam làm giải phẫu, vì như một bài báo của Bbác, giải phẫu ở VN tốn rất ít chi phí mà chất lượng không thua gì các nước khác. Nếu thực sự được chọn lựa, cháu vẫn muốn về Việt Nam. Điều khó khăn nhất vẫn là thủ tục pháp lý. Không biết cháu có thể làm phẫu thuật mà không cần thay đổi nhân thân không? Như thế có dễ dàng hơn cho các bác sĩ?
Con đường của cháu - cũng như của tất cả những ai có hoàn cảnh này - đều rất dài và chông gai. Thực sự, những người như cháu rất cần sự giúp đỡ của những bác sĩ thiện tâm như Bác. Cháu chân thành cảm ơn, và chúc Bác mạnh khỏe.
Cháu X.
Chào cháu X. !
Bác sĩ vẫn nhớ cháu. Cháu đến khám với kết quả karyotype XY. Bác sĩ cũng đã gặp mẹ cháu.
Bác sĩ chúc mừng cháu. Cháu may mắn hơn rất nhiều người khác đồng cảnh ngộ tại Việt Nam. Vấn đề kế tiếp là cháu cần kiên nhẫn, không nên vội vã mà tiền mất tật mang. Rất nhiều websites, rất nhiều bác sĩ quảng cáo về gender reassignment ở Thái Lan, Hàn Quốc..., nhưng hầu hết là không đúng với thực tế. Cháu cần học thật giỏi và chỉ đi điều trị khi đã biết chắc cháu đã sẵn sàng về tài chính, thời gian và biết rõ trung tâm nào chuyên điều trị chuyển giới tính. Cháu có thể tham khảo thông tin qua website: http://www.wpath.org/
Cháu có thể search tên những bác sĩ sau (mà bác sĩ biết họ rất giỏi về phẫu thuật chuyển giới tính): Jordan (Mỹ), Perovic (Serbia), Hage (Hà Lan). Amsterdam (Hà Lan) - nơi bác sĩ từng học trước đây - là một trong những trung tâm nối tiếng thế giới về phẫu thuật chuyển giới tính. Cháu có thể tham khảo thêm ở địa chỉ:http://www.vumc.nl/
Ở Hà Lan, việc phẫu thuật chuyển giới tính hoàn toàn miễn phí cho công dân nước họ. Nếu có thể trở thành công dân Hà Lan thì cháu không phải bận tâm về chi phí nữa. Các nước châu Âu khác như Bỉ, Anh cũng có những trung tâm mạnh về gender reassigment, và có lẽ chi phí y tế cũng miễn phí cho công dân của họ. Đáng tiếc là GS Gooren (ở Amsterdam), Thầy của bác sĩ, đã về hưu. Ông hiện đang sống ở Thailand, rất dễ mến. Cháu có thể gởi email cho Ông (… .gooren@gmail.com) và nói bác sĩ Như giới thiệu. Có thể Ông sẽ có những ý kiến hay giúp cháu.
Vì hoàn cảnh riêng, bác sĩ đã nghỉ công tác tại bệnh viện Bình Dân từ tháng 3/2011 nên không trực tiếp giúp cháu được nữa. Mong rằng những thông tin trên sẽ có ích cho cháu. Chúc cháu sẽ đạt được ước nguyện. Đừng bỏ cuộc nhé, đừng thôi hết hy vọng.
TS BS Nguyễn Thành Như
Kính gửi: TS BS Nguyễn Thành Như. Thưa Bác sĩ, tôi rất ngạc nhiên khi thấy Bác sĩ khuyên nên để...
Tốt nghiệp chuyên ngành Ngoại – Sản, Đại học Y Dược TP. HCM năm 1988 (hạng Danh Dự). Được đào tạo...
Chào anh P. ! Dương vật cấu tạo chính là 3 ống: 2 ống thể hang và 1 ống thể xốp. Các ống này được...
Các câu hỏi có thể viết tiếng Việt, questions can be in English, on peut poser des questions en...
Kính chào Bác sỹ Nguyễn Thành Như! Lời đầu tiên vợ chồng em gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bác sỹ Như...
Ngô Gia Hy, Ngô Thanh Mai, Nguyễn Thành Như. Chấn thương niệu đạo trước: can thiệp sớm? Tập san Sinh...
Chào bác sỹ! Cháu đã hơn 30, người yêu cháu gần 50 tuổi. Cả hai đều quá bận với công việc, anh ấy...
Con xin chào Bác sĩ, con có vấn đề này xin Bác sĩ tư vấn giúp con. Chuyện là như thế này ạ, bữa...
(Nguồn: Tuổi trẻ online...
Kính gởi Bác sỹ Như, Em là Ph., bị giãn tĩnh mạch tinh và được mổ ngày 21/3 vừa qua. Mổ ba vết...