Kể chuyện sự phối hợp giữa hiếm muộn và nam khoa để điều trị vô sinh do không có tinh trùng

KỂ CHUYỆN “NGÀY XƯA”: NHỮNG BƯỚC SONG HÀNH

VÀ HỖ TRỢ LẪN NHAU CỦA PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ VÔ SINH NAM VÀ THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM

ĐỂ ĐIỀU TRỊ VÔ SINH DO KHÔNG CÓ TINH TRÙNG TẠI VIỆT NAM

TS BS Nguyễn Thành Như

Nhân 1 năm ngày trang web namkhoa.com ra đời

và 10 năm tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm

với tinh trùng trích từ mào tinh đầu tiên tại Việt Nam

1 năm….

Tháng 4 năm 2011, trang web namkhoa.com bắt đầu nhận và trả lời các câu hỏi về Nam khoa của độc giả ở khắp nơi gởi về. Ý tưởng về một trang web dành riêng cho Nam khoa đã hình thành từ năm 2004, nhưng mãi 7 năm sau tôi mới có thời gian, có đủ kinh nghiệm về chuyên môn để biến ý tưởng này thành hiện thực. Số câu hỏi gởi về ngày một tăng, từ 3-4 câu hỏi/tuần đến nay đã xấp xỉ 20 câu/tuần. Không chỉ bệnh nhân ở khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam mà cả các bạn trẻ đang du học ở nước ngoài, Việt kiều đang sinh sống ở Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… cũng gởi thắc mắc về cho namkhoa.com. Rồi những bạn sinh viên y khoa đang ngồi trên giảng đường đại học muốn hỏi ý kiến người đi trước về con đường mình chọn trong tương lai. Tôi cố gắng trả lời càng nhiều câu hỏi càng tốt, và chọn ra những câu điển hình để đưa lên web. Có những thắc mắc hết sức ngộ nghĩnh và buồn cười như: qui đầu là gì? Mới chỉ hôn thôi thì có nhiễm HIV không?... nhưng phần nhiều là những câu hỏi cấp bách, khẩn thiết, thậm chí như một lời kêu cứu.

Một cậu bé đang ở nước ngoài, tính tò mò của tuổi mới lớn khiến cậu chẳng may rơi vào tình trạng khó nói: bị thắt nghẽn bao qui đầu, đau thấu trời, đau chảy nước mắt. Vội vàng gởi thư về cho namkhoa.com, cậu được hướng dẫn cụ thể cách xử lý tình huống ngoài mong đợi này với lời dặn dò, lần sau đừng dại dột như thế nữa. Cũng có những lá thư chứa đầy tâm sự u uất, mang nỗi tuyệt vọng của người lỡ mang trong mình một giới tính không giống với đại đa số. Bằng cách này hay cách kia, namkhoa.com chia sẻ, cảm thông cùng họ, giúp họ tiếp cận với những kiến thức khoa học một cách đúng đắn nhất. Cũng có nhiều người tìm đến namkhoa.com bày tỏ sự hoang mang, lo lắng vì không biết làm gì để có em bé – một chuyện tưởng như rất dễ, như một điều đương nhiên của quy luật sinh tồn. Và không ít trong số đó là những thắc mắc về VÔ SINH DO KHÔNG CÓ TINH TRÙNG.

Và 10 năm…

Hơn 10 năm về trước, nếu bệnh nhân không có tinh trùng trong tinh dịch (y học gọi là vô tinh) thì các bác sĩ Việt Nam bó tay, thường khuyên bệnh nhân xin tinh trùng hay xin con nuôi. Những trường hợp khám ở bệnh viện Từ Dũ mà người chồng bị vô tinh thì bệnh nhân sẽ được chuyển qua các bác sĩ Tiết niệu chúng tôi. Lúc đó, chúng tôi chỉ biết làm mỗi một chuyện là sinh thiết tinh hoàn rồi…thôi. Nếu kết quả là tinh hoàn không sinh tinh thì bệnh nhân sẽ được khuyên về xin tinh trùng bơm. Nếu may mắn hơn, tinh hoàn có sinh tinh thì bệnh nhân cũng được khuyên là…về xin tinh trùng bơm !!!, vì bác sĩ chẳng biết làm sao để mà chữa trị. “Có” hay “không” chẳng khác nhau là mấy! Thời điểm đó, chưa ai biết nối vi phẫu ống dẫn tinh với mào tinh;vi phẫu nối ống dẫn tinh sau triệt sản chỉ là chuyện lý thuyết, mổ …trên giấy, cũng chẳng ai biết mổ nội soi để điều trị vô tinh do tắc ống phóng tinh. Rồi chuyện làm thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng trích từ tinh hoàn hay mào tinh, điều trị làm saocho các trường hợp tinh hoàn không sinh tinh có tinh trùng trở lại….chúng tôi đều “mù tịt”, dù rằng tại các nước Âu Mỹ người ta đã làm rồi. Ngày ấy, để biết có tắc ống dẫn tinh hay không, chúng tôi thường tiến hành thủ thuật chụp ống dẫn tinh, có điều là chỉ biết cặm cụi đâm kim chứ chẳng chụp được gì và làm xong rồi…để đó, không thể làm gì hơn để giúp bệnh nhân có con. Cũng phải nói thêm rằng, trên thế giới, thủ thuật chụp ống dẫn tinh để biết có tắc ống dẫn tinh hay không đã bị loại bỏ từ thập niên 1970 (nhưng rất tiếc là hiện nay, ngay thời điểm năm 2012, vẫn còn một số trung tâm Nam khoa tại Việt Nam tiếp tục thực hiện thủ thuật này để chẩn đoán tắc ống dẫn tinh). Thời điểm đó, việc đọc kết quả sinh thiết tinh hoàn rất đơn giản và sai lệch rất nhiều, không ít trường hợp tinh hoàn sinh tinh bình thường nhưng bị “phán” là hai tinh hoàn không sinh tinh, đơn giản là trình độ và phương pháp đọc kết quả của chúng ta lạc hậu hơn so với thế giới tới 30 - 40 năm. Có những trường hợp, kết quả sinh thiết tinh hoàn trước năm 2000 ghi nhận là tinh hoàn không sinh tinh,nhưng 7-8 năm sau, bệnh nhân đến gặp tôi, làm sinh thiết lại thì hóa ra tinh hoàn vẫn sinh tinh bình thường, sau đó bệnh nhân được điều trị và có con.

Năm 1999 là một năm quan trọng. Trước đó 1 năm, tôi trở về lại bệnh viện Bình Dân sau 5 năm bôn ba. Mảnh vườn Tiết niệu đang tưng bừng nở đầy hoa trái, nhưng có một góc vườn im vắng, chỉ toàn sỏi đá: góc Nam khoa. Cũng từng có người đã đến đây cày xới, khẩn hoang, nhưng rồi chẳng hiểu sao họ lại quay về khu vườn Tiết niệu xanh tươi kia, có thể do những bệnh Tiết niệu như sỏi thận, bướu tuyến tiền liệt…bức bách hơn, bệnh nhân cần chữa trị hơn.

Năm 1999, tôi xin Ban Giám đốc bệnh viện cho ra góc vườn nhỏ bé ấy, lặng lẽ cày bừa, và hạt giống đầu tiên tôi gieo xuống mảnh đất khô cằn sỏi đá này là VÔ SINH NAM. Kinh nghiệm học ở nước ngoài cho tôi biết rằng: nếu đi đúng bài bản, khoa học, tôi sẽ thành công. Công sức dạy dỗ của các Thầy, tôi tin sẽ không đổ sông đổ biển. Cũng trong năm 1999, tôi mạnh dạn dùng vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh sau triệt sản cho một bệnh nhân đã triệt sản. Kết quả là sau một thời gian, bệnh nhân thông báo vợ đã có tin vui. Thành công này khiến tôi vững tâm, tự tin hơn, và tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn. Một trong những bệnh nhân đầu tiên của tôi được áp dụng vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh là anh H., một Việt kiều ở Washington DC. Anh H. có 3 con gái với vợ trước, rồi đi triệt sản bên Mỹ, sau này về Biên Hòa lấy vợ thứ hai. Tôi mổ cho anh xong, năm sau anh về nước báo vợ có thai và sinh một bé trai. 1 năm sau nữa, anh lại về VN và nhờ tôi làm ...triệt sản lại vì vợ cứ dính bầu hoài.

Cuối năm 2000, tôi tổ chức một buổi gặp mặt tại KS Epco, do công ty Schering AG tài trợ, giữa các bác sĩ hiếm muộn và các bác sĩ tiết niệu - nam khoa. Có lẽ đó là lần đầu tiên ở Việt Nam hai bên khác biệt nhau về cách điều trị vô sinh nam ngồi lại, bàn bạc cách chữa trị cho bệnh nhân. Một bên là các bác sĩ hiếm muộn của bệnh viện Từ Dũ (BS Tường, BS Lan - vừa mới làm thành công phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, cùng các bác sĩ còn rất trẻ, mới ra trường: BS Tuân, BS Vinh, BS Minh…) và một bên là các bác sĩ tiết niệu - nam khoa của bệnh viện Bình Dân (BS Hiệp, tôi, BS Đương, BS Thuấn). Hôm đó, chúng tôi nói với các bạn đồng nghiệp hiếm muộn là chúng tôi đang và sẽ tiến xa về phẫu thuật vô sinh nam. Chúng tôi cũng rất sẵn sàng hỗ trợ các bạn ấy trong việc tìm tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm, để từ đó mở rộng tầm điều trị của vô sinh nam không tinh trùng. Hơn một năm sau, sự hỗ trợ lẫn nhau đó mới thành hiện thực.

Năm 2000, nhờ có BS Trang Trung Trực (khoa Giải phẫu bệnh, BV Từ Dũ) mà mô tinh hoàn đã được đọc chính xác về khả năng sinh tinh, nên vấn đề sinh thiết tinh hoàn xem như được giải quyết xong. Rất tiếc là cho tới hiện nay, nhiều Trung tâm Hiếm muộn vẫn chưa thực hiện được sinh thiết tinh hoàn theo đúng nghĩa, chưa học hỏi được kinh nghiệm đọc mô tinh hoàn từ bệnh viện Từ Dũ. Việc sử dụng chọc hút mào tinh thay cho sinh thiết tinh hoàn là một sai lầm cơ bản, nhưng đang được thực hiện tại nhiều nơi ở Việt Nam.

Cũng trong năm 2000, lần đầu tiên ở Việt Nam, tôi đã tiến hành điều trị vô tinh do tắc ống phóng tinh bằng cắt đốt nội soi ụ núi, vô tinh do tắc mào tinh bằng vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh với mào tinh kiểu lồng hai sợi. Và cách đây tròn 10 năm, vào tháng 2/2002, cùng với BS Ngọc Lan, BS Mạnh Tường, tôi đã thực hiện trích tinh trùng từ mào tinh, ống dẫn tinh, tinh hoàn đ làm thụ tinh trong ống nghiệm. Ba năm sau, kinh nghiệm này đã được báo cáo tại Hội nghị Nam khoa Thế giới ở Hàn Quốc. Một trong những ca đầu tiên thành công là một thương binh bị liệt hai chân. Anh là người xứ Nghệ, tham gia chiến trường Campuchia, bị thương cột sống và liệt hẳn hai chân. Rồi anh lấy vợ, hai vợ chồng sống rất vui vẻ, hạnh phúc ở Sài Gòn, dù tình dục là chuyện xa vời vì anh không quan hệ được, không xuất tinh được. Cách đây 2 tháng, anh đưa cậu con trai 10 tuổi, khỏe mạnh, nhanh nhẹn tới thăm tôi.

Năm 2005, tôi tiến hành vi phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh giãn hai bên ngả bẹn - bìu cho một trường hợp vô tinh do giãn tĩnh mạch tinh. Đây là một trong hai đề xuất cải tiến kỹ thuật trong mổ vô sinh nam của tôi. Với phương pháp này, bệnh nhân không có tinh trùng do hai tinh hoàn hư hại (không phải do tắc) đã có thêm một hy vọng mới. 30% sau mổ có tinh trùng lại mà ½ trong số đó vợ có thai tự nhiên, ½ còn lại thì làm thêm thụ tinh trong ống nghiệm. Bệnh nhân đầu tiên chính là cháu của một bác sĩ đồng nghiệp ở cùng bệnh viện. Sau mổ 1 năm rưỡi, vợ anh có thai tự nhiên và sau đó sinh một cháu khỏe mạnh. Hiện nay, phương pháp vi phẫu thuật cột tĩnh mạch giãn hai bên ngả bẹn – bìu đã được triển khai tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Định, Sài Gòn, Bình Dương, Cần Thơ...

Năm 2006, thêm một bước tiến mới, tôi tiến hành vi phẫu thuật nối lại ống dẫn tinh và vi phẫu thuật nối lại ống dẫn tinh với mào tinh cho các trường hợp đã nối rồi nhưng 1-2 năm sau vẫn chưa có tinh trùng lại trong tinh dịch. Cuối năm đó, tôi làm nhiệm vụ “sửa sai” cho một số trường hợp bị vô sinh do tắc mào tinh, được thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng hút từ mào tinh, nhưng thụ tinh thì không thành công, còn mào tinh thì bị chọc hút hư hại. Những trường hợp này, có trường hợp mổ ra vẫn nối lại được, nhưng cũng có trường hợp mổ ra rồi lại phải đóng lại vì ống mào tinh đã bị kim chọc bể nát mất rồi. Bù lại, trường hợp nào nối được thành công thì “hậu quả” sau đó lại khá khả quan. Một bác sĩ ở Đà Nẵng, vô sinh do tắc mào tinh, ra Hà Nội làm thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng được hút từ mào tinh. Việc thụ tinh thất bại, nhưng may mắn cho anh là ống mào tinh không bị hư hết. Sau khi tôi phẫu thuật nối ống dẫn tinh với mào tinh thành công cho anh, bây giờ anh đã có 2 con trai xinh xắn.

Năm 2008, cùng với Thạc sĩ sinh học Thanh Bình và BS Mạnh Tường, chúng tôi tiến hành trữ lạnh mô tinh hoàn khi phẫu thuật nối ống dẫn tinh để khi cần sẽ rã đông, lấy tinh trùng trong mô tinh hoàn đó để làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Năm 2010, chân trời điều trị vô sinh không tinh trùng bằng phẫu thuật được mở rộng thêm một lần nữa, tôi tiếp tục thành công trong vi phẫu tích mô tinh hoàn tìm tinh trùng cho các trường hợp vô tinh do tinh hoàn hư hại để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho bệnh nhân (BS Mạnh Tường thực hiện thụ tinh). Anh C. - một doanh nhân – là một trong những người đầu tiên được thực hiện phẫu thuật này. Trước khi lập gia đình, bạn gái anh vẫn có thai bình thường, và tất nhiên đó là con anh. Nhưng khi lấy vợ về thì mong đợi mãi mà vẫn không có con. Hóa ra anh đã hết tinh trùng từ lúc nào không hay. Mổ sinh thiết thì hai tinh hoàn chỉ toàn tế bào teo quắt. Ba năm sau, tôi mổ lại cho anh bằng kỹ thuật vi phẫu tích mô tinh hoàn. Kiên trì “lục lọi” trong đám tế bào quắt queo đó, tôi lại tìm thấy vài ổ tinh trùng còn sót lại. Có tinh trùng tức là có “vốn” rồi, hy vọng được thắp lên, anh được chuyển qua làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Có thể nói, đến thời điểm năm 2010, về phẫu thuật vô sinh nam, chúng ta đã theo kịp các nước khác. Vấn đề còn lại là các kỹ thuật này cần được hoàn thiện thêm để tăng tỉ lệ thành công hơn nữa.

Tất cả những kỹ thuật này đã được tôi báo cáo tại các hội nghị trong và ngoài nước, đã hướng dẫn cho thế hệ kế tiếp. Việc các bác sĩ đi sau thực hiện được bao nhiêu là còn tùy kỹ năng của mỗi người, sự phấn đấu cũng như lòng yêu nghề, ham học hỏi và sự trung thực của chính bản thân họ. Những bệnh nhân vô tinh ngày nay đã có hướng ra. Hai chữ “vô tinh” không còn khiến bệnh nhân quá sợ hãi, quá tuyệt vọng khi hiểu theo nghĩa đen là “không có cái gì”. Họ vẫn có thể hy vọng có con bằng phương pháp tự nhiên hay thụ tinh trong ống nghiệm. Hoặc ít ra, nếu không thể chữa được thì chúng tôi cũng có thể giải thích lý do một cách rõ ràng, cụ thể cho bệnh nhân chứ không phải đưa ra những kết luận mà ngay cả bác sĩ cũng cảm thấy mơ hồ, không tự tin.

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả