Bôn ba du học

Học ở Pháp lần đầu tiên: xin từ Việt Nam

Mảnh bằng Nội Trú Niệu khoa (ngành y khoa chuyên về bệnh thận, bàng quang, bộ sinh dục nam) lấy được năm 1992 chẳng hề bảo đảm cho tôi một chân cán bộ giảng ổn định tại một trong hai trường đại học y ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng trong cái rủi có cái may. Nhờ cứ sáng sáng hễ rảnh công việc bệnh viện một tí là tôi lại lò dò rảo qua phòng tổ chức thuộc Trung Tâm Đào Tạo Cán Bộ Y Tế (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch bây giờ) để chờ câu trả lời “được rồi mầy” từ ông trưởng phòng tổ chức, nên tôi đã tìm được cái suất đi Pháp lần đầu tiên trong đời.

Sáng thứ hai đó, nhìn thấy khoảng 20 bác sĩ tụ tập tại phòng họp của Trung Tâm, tôi hỏi dò thì có một cô bác sĩ đàn em tốt bụng bảo là đang dự thi tuyển FFI (Faisant Fonction Interne, nội trú tại Pháp). Kỳ thi đó gồm hai phần, mà phần thi viết đã làm xong từ hôm thứ bảy tuần trước và sáng thứ hai đó là phần vấn đáp. Bị giấc mơ có dịp ra xứ người học tập thôi thúc, không biết làm thế nào hơn, tôi chen đại vào gặp hai vị giáo sư Pháp, trình bày mong ước và xin được dự thi. Chẳng ngờ hai ông đồng ý cho tôi thi sau chót. Thế là tôi viết một mạch cái CV (Curriculum Vitae, sơ yếu lý lịch), đem nộp cho hai ông và thi vấn đáp, miễn thi viết, và …đậu.

Năm sau tôi lên đường đi Pháp một năm.

Học tại Pháp lần thứ hai: xin tại Pháp

Hết năm học đầu, tôi cảm thấy mình tuy có học được nhiều tại Pháp, nhưng vẫn chưa đủ “đô”, vẫn còn hai chuyên ngành mà tôi chưa được học là Nam khoa và Ghép Thận. Theo lời khuyên của một cô bạn bác sĩ người Đức, tôi soạn ra khoảng trên 100 lá thư (dĩ nhiên là bằng vi tính, chỉ cần thay tên đổi họ người nhận là xong). Trong thư tôi nêu rõ mong muốn học Ghép Thận và Nam Khoa. Kèm theo thư là một cái CV mạch lạc. Nhưng gởi cho ai bây giờ ? Tôi mở bản đồ nước Pháp ra để lấy tên của tất cả các thành phố lớn tại Pháp. Sau đó tôi ghi vào chỗ người nhận trên thư là :

Medecin Chef de service (Bác sĩ trưởng khoa)

Service d’urologie (Khoa Niệu)

Bệnh viện – tên thành phố lấy từ bản đồ xuống, ví dụ Dijon: Centre Hospitalier Universitaire de Dijon.

Tên thành phố, ví dụ Dijon.

Chẳng cần ghi rõ tên ông trưởng khoa, mà thực ra tôi cũng không biết để mà ghi lên bao thư. Dán tem lên. Thư cứ thế mà chạy tới ông bác sĩ X đó (hoan hô bưu điện Pháp !).

Trong vòng một tháng, tôi nhận được khoảng 80 thư trả lời dù tôi chẳng hề đính kèm sẵn bao thư và tem (lịch sự ghê !!!) với gần như toàn bộ đều “désolé” (lấy làm tiếc, tiếng Pháp), rất ư là lịch sự kiểu Tây. Chỉ có 3 lá thư là "oui", một từ Limoges, một từ Besancon và một từ Dijon. Xoay qua xoay lại, rốt cuộc tôi đến thành phố Dijon thêm một năm nữa.

Học tại Thụy Sĩ: xin từ Pháp

Muốn nhìn thấy một nền y học Tây phương khác nữa ngoài Pháp trước khi về nước hẳn, tôi lại dùng bài cũ, viết hàng đống thư dựa theo tên thành phố và gởi sang Thụy Sĩ. Lần nầy chỉ một thư từ Lausanne trả lời “oui” thôi. Thế cũng đủ để tôi lại khăn gói từ Pháp sang Thụy Sĩ thêm 6 tháng nữa, học thêm về Niệu khoa, Nam khoa.

Học tại Anh: xin từ Việt Nam

Hai tuần đạp xe du lịch vòng quanh Scotland vào năm 1995, lúc còn đang học tại Pháp, đã để lại trong tôi một ao ước khó tả là được sang Anh học. Sau một năm về Việt Nam, tôi lại áp dụng bài mà “cô giáo” Đức đã dạy năm xưa, là mở bản đồ, rồi viết thư bằng vi tính gởi cho các trường đại học (bằng tiếng Anh) và xin đi học Niệu Động Học (một chuyên nghành khác của Niệu khoa). May sao, có hai lá thư trả lời “OK”, đều của thành phố Manchester, còn lại đều “sorry”.

Thủ tục xin visa nhập bước đầu gặp khó khăn, nhưng chỉ cần một lá thư bảo trợ của cô bạn bác sĩ người Anh là mọi cái trót lọt. Tôi đi Manchester 6 tháng.

Lần sau cùng, Hà Lan: xin từ … một hội nghị y khoa tại thành phố Hồ Chí Minh

Tháng 12/1998, trường đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị khoa học kỷ niệm Sài Gòn 300 năm, có một giáo sư Hà Lan đến nói chuyện về “Chuyển Giới Tính”, biến nam thành nữ và nữ thành nam. Tôi tò mò đến dự như nhiều bác sĩ khác vì đề tài thật hấp dẫn. Trong hội nghị, tôi hỏi ông giáo sư đó vài câu, và khi hội nghị kết thúc, tôi mạnh dạn chặn ông ngay cửa ra để tự giới thiệu và xin được trao đổi tiếp (bằng tiếng Anh chứ không phải bằng tiếng Hà Lan). Không đủ giờ, giáo sư Gooren, tên ông ta, hẹn tôi hôm sau ra khách sạn thảo luận tiếp. Cuối cùng là ông ta cho tôi một suất học bổng 2 tháng tại Amsterdam để ‘mắt thấy tai nghe’ về những người chuyển giới tính, đồng tính luyến ái tại Hà Lan, nhằm “tâm phục-khẩu phục”.

Trong lúc nói chuyện, GS Gooren đã vài lần đưa ra vài câu hỏi “gài” để đánh giá “nội lực” của tôi, và để biết chắc là tôi mong muốn đi học để làm việc chứ không phải tìm một cái cớ xuất ngoại. Tôi đã vượt qua “thử thách’ bằng những câu trả lời thẳng thắn và rõ ràng.

Kinh nghiệm của tôi

1- Sẵn sàng: tích cực học tập, trau dồi chuyên môn và ngoại ngữ, chờ cơ hội “xuất chiêu”.

2- Chủ động: không chờ học bổng “rót” tới, mà chủ động tự đi tìm, thế nào cũng gặp. Phương pháp “bom thư” (không phải bom e-mail của các hacker) là một độc chiêu do cô bạn bác sĩ người Đức truyền lại cho tôi. Đây là một phương pháp xin việc, xin học rất bình thường tại phương Tây. Gởi hàng trăm thư, sẽ có hơn một nửa trả lời, và nếu có một thư trả lời “yes”, hay “oui”, hay “ya”, hay “si”, hay “OK”, là mãn nguyện lắm rồi. Để có câu trả lời “yes” thì thư cần phải: ngắn gọn, trình bày được thực lực của bản thân, có một (và chỉ cần một mà thôi) mục tiêu xin học rõ ràng và hướng thực hiện những điều học được. Ngoài ra, luôn đính kèm CV theo thư.

Để kết thúc

Trong những lần “bôn ba”, tôi đã nhiều lần bất ngờ gặp những du học sinh Việt Nam còn “bôn ba” hơn cả tôi để đến học tại xứ người. Từ đó, tôi nghiệm ra rằng tại các trường đại học lớn ở các nước phát triển đều có quỹ học bổng cho du học sinh đến từ xứ nghèo. Hãy gõ cửa xin họ (học mà, có gì đâu mà “quê”), họ sẽ cho, hay ít ra sẽ chỉ cách mình cần làm gì để họ cho mình học bổng.

Số lượt truy cập

Các mục chính

Đọc nhiều nhất

Cùng một tác giả